Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt gần 580.000 tỷ đồng đến hết 2023, tức xấp xỉ 82% kế hoạch Thủ tướng giao, theo Bộ Tài chính.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thanh toán từ đầu 2023 đến 30/11, giải ngân vốn kế hoạch đạt hơn 449.506 tỷ đồng. Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là 58.902 tỷ đồng, đạt gần 45,5% kế hoạch Thủ tướng giao.
Đến hết năm 2023, vốn công được thanh toán gần 579.850 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch và gần 82% theo chỉ tiêu Thủ tướng giao. Trong đó, chương trình phục hồi kinh tế đạt hơn 56%.
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc Phòng năm trong số bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao, 85-95%. Ở phía địa phương, Long An, Quảng Ngãi, Đồng Tháp hay Cà Mau là những nơi vốn công thanh toán được trên 90%.
Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá giải ngân đầu tư công là một trong những điểm sáng của kinh tế 2023. Điều này đặt trong bối cảnh Việt Nam chịu sức ép phải tiêu số tiền lớn, tăng 25% so với năm 2022 (trên 110.000 tỷ đồng).
Ông Phương cho hay, tháng 12/2023 là thời điểm có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhảy vọt, từ 65% kế hoạch lên 81%. "Nếu duy trì được tốc độ này trong thanh quyết toán của tháng 1/2024, mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch Thủ tướng giao có thể đạt được", Thứ trưởng Phương nói.
Phía Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, nhờ giải ngân lớn, nên năm ngoái nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng được hoàn thành. Gần 700 km đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng, góp phần thực hiện mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.
Tuy vậy, có không ít bộ, cơ quan giải ngân thấp hơn bình quân cả nước. Nhóm có tỷ lệ giải ngân dưới 20% gồm Ủy ban dân tộc, Tổng công ty thuốc lá, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ngân hàng Nhà nước (gói hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại), Bộ Ngoại giao... Đầu tàu kinh tế TP HCM tiếp tục trong nhóm giải ngân vốn công thấp, 39% kế hoạch. Hòa Bình, Phú Yên cũng là các địa phương giải ngân dưới 30%, lần lượt gần 26% và 29,4%. ,
Lý do nhiều nơi giải ngân vốn đầu tư công thấp dù nhiều biện pháp được Chính phủ đưa ra, theo Bộ Tài chính, là cơ chế, chính sách còn mâu thuẫn, các đơn vị chưa mạnh dạn phân cấp, phân quyền. Chẳng hạn, trong quy hoạch sử dụng đất, vướng mắc chính là xác định nguồn gốc đất; quy định tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Một số cơ chế đã được sửa đổi, nhưng Bộ Tài chính nhận xét, còn nhiều vấn đề đến nay vẫn "đang rà soát nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn".
Ngoài ra, các đơn vị cũng đang gặp vướng trong giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, người dân chưa đồng thuận phương án bồi thường, tái định cư. Những điều này dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.
"Có hiện tượng chậm điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án do nhiều đơn vị, địa phương còn tâm lý giữ vốn, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp", Bộ Tài chính đánh giá.
Do đó, cơ quan này cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công được đưa ra trước đó. Các chủ đầu tư cũng cần sớm nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán.
Các đơn vị cũng cần sớm có phương án với số vốn không giải ngân hết, chỉ đề xuất kéo dài với một số dự án thực sự cần thiết, có khả năng tiếp tục thực hiện, nhằm tránh lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến ngân sách.
nguồn : vnexpress.net