Bộ Công Thương khẳng định việc cho EVN thu hồi khoản lỗ sản xuất kinh doanh trong tính giá điện dựa trên quy định pháp luật, thực tế và ý kiến các bộ ngành.
Quan điểm này được đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đưa ra hôm nay trước những ý kiến trái chiều về dự thảo sửa đổi Quyết định 24 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ gồm khoản lỗ, chênh lệch tỷ giá của EVN.
Cơ quan này cho biết cơ cấu giá bán lẻ điện bình quân hàng năm gồm chi phí các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng điện (phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống, điều hành giao dịch thị trường, chi phí dịch vụ phụ trợ, quản lý chung của EVN) và các khoản khác chưa được tính vào giá điện để đảm bảo phản ánh được đúng giá thành, và sau đó là có lợi nhuận phù hợp.
Lỗ từ chênh lệch tỷ giá trong 4 năm (2019-2022) chưa được hạch toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 14.725 tỷ đồng, theo công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2022 của Bộ Công Thương.
Trước năm 2017 - thời điểm ban hành Quyết định 24, các chi phí này là khoản lớn nhất thường bị treo chưa hạch toán vào giá thành sản xuất, giá điện hoặc chỉ được phân bổ một phần tùy tình hình tài chính mỗi năm.
Năm ngoái, giá nhiên liệu thế giới leo thang đẩy chi phí mua điện của EVN tăng trong khi giá bán lẻ điện giữ ổn định khiến tập đoàn này lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Năm nay giá nhiên liệu sản xuất điện bớt căng thẳng nhưng vẫn ở mức cao ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN.
Việc tăng giá điện bình quân 3% từ 4/5 - mức thấp nhất theo Quyết định 24 và kết quả tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện 2022 (9,37%), giải quyết một phần khó khăn dòng tiền, nhưng EVN vẫn khó khăn do chi phí 2023 bị dồn tích.
"Do đó, các khoản chi phí đầu vào hai năm qua, theo Quyết định 24, sẽ được thu hồi qua các lần điều chỉnh giá tiếp theo. Mặt khác, theo Luật Giá 2023, giá điện cần bù đắp đủ chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận phù hợp cho EVN", đại diện cơ quan quản lý điện lực cho hay.
Công nhân Điện lực TP HCM sửa chữa điện trong mùa nắng nóng 2023. Ảnh: EVN
Góp ý trước đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương rà soát các khoản chi phí được phép tính vào giá bán lẻ điện là những chi phí nào. EVN có trách nhiệm tính toán và xác định các khoản chi phí này, báo cáo Bộ Công Thương xem xét, tính bổ sung vào giá bán lẻ điện. Hàng năm, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra chi phí giá thành, phê duyệt các chi phí này.
Bộ Tài chính cho rằng theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn không quy định về phương án phân bổ các khoản lỗ sản xuất kinh doanh, chi phí khác chưa được tính vào giá điện và thẩm quyền Thủ tướng quyết định nội dung này. Vì thế, bộ này đề nghị bỏ quy định này tại dự thảo quyết định sửa Quyết định 24.
Tuy vậy, Bộ Công Thương cho hay, nếu không có quy định cụ thể về xem xét thu hồi lỗ sản xuất kinh doanh điện của EVN có thể ảnh hưởng tới phát triển, bảo toàn vốn Nhà nước do giá điện tại một số thời điểm phải điều chỉnh theo lộ trình, điều kiện kinh tế vĩ mô.
Dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 quy định các khoản chi phí khác chưa được phân bổ vào giá điện cần xác định theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, tức theo giá thành thực tế và có sự kiểm tra, giám sát của liên bộ, ngành.
Cơ quan này khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát phương án phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện do EVN đề xuất để báo cáo Thủ tướng xem xét. Việc này nhằm đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Trong khi đó, các chuyên gia lĩnh vực năng lượng cho rằng việc giá điện tính thêm các khoản lỗ, chênh lệch tỷ giá của EVN là hợp lý, song cần phân bổ có lộ trình để tránh giá tăng sốc.
nguồn : vnexpress.net