Phần lớn mọi người biết câu chuyện Facebook được tạo ra từ phòng ký túc xá của Mark Zuckerberg, nhưng bài học rút ra không nằm ở đó.
Trong một chương trình Podcast gần đây của kỹ sư tin học Lex Fridman (Học viện Công nghệ Massachusetts), Zuckerberg cho biết anh có khả năng thành lập Facebook năm 2004 không phải nhờ bỏ học hay từ bỏ các mối quan tâm khác. Mà đó là do các mối quan hệ cá nhân anh tạo ra khi còn đi học.
"Bạn sẽ giao lưu với ai", Zuckerberg nói, "là quyết định quan trọng nhất" mà một sinh viên có thể đưa ra khi học đại học. "Bạn sẽ trở thành người giống như những người xung quanh bạn", anh giải thích, "Tôi cho rằng có lẽ nhìn chung, mọi người quá tập trung vào mục tiêu mà không đầu tư đủ cho sự kết nối và những người họ đang gây dựng mối quan hệ".
CEO Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: AP
Zuckerberg gặp những người đồng sáng lập khác của Facebook - Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz, Chris Hughes và Andrew McCollum khi cả 5 cùng học tại Đại học Harvard. Công ty họ sáng lập đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành truyền thông xã hội và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới hiện nay. Meta – công ty mẹ Facebook – hiện có vốn hóa 582,5 tỷ USD.
Zuckerberg cho biết anh luôn ưu tiên các mối quan hệ hơn là mục tiêu. Việc này đặc biệt đúng khi tuyển dụng. Khi đánh giá ứng viên, Zuckerberg tưởng tượng mọi việc sẽ thế nào nếu làm việc cho người đó, thay vì tưởng tượng mình là sếp của họ.
"Tôi chỉ tuyển người làm việc cho mình nếu tôi nhìn thấy bản thân có thể làm cho họ", anh nói.
Zuckerberg nói chiến lược này đã tạo ra một môi trường làm việc vừa gắn kết vừa hiệu quả. Nếu bạn làm việc cùng những người có chung quan điểm với mình, bạn sẽ hoàn thành mục tiêu cùng nhau một cách suôn sẻ hơn. Đây là vấn đề tìm kiếm sự tương thích cá nhân, anh nói, không giống "chọn bạn hay người yêu".
Việc ưu tiên các mối quan hệ hơn mục tiêu cũng phần nào giải thích một số quyết định gây tranh cãi của Zuckerberg khi lãnh đạo Meta. Ví dụ, năm 2016, trong thư gửi nhân viên, anh giải thích việc giữ Peter Thiel – người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch tranh cử - trong hội đồng quản trị. Khi đó, gần như cả giới công nghệ ủng hộ bà Hillary Clinton.
Zuckerberg nói rằng Facebook "không thể tạo ra một văn hóa doanh nghiệp nói là quan tâm đến sự đa dạng, nhưng lại loại bỏ một nửa nhân sự chỉ vì họ ủng hộ một ứng cử viên chính trị nào đó".
Nhiều người chỉ trích cho rằng việc Zuckerberg giữ lại Thiel – nhà đầu tư vào Facebook từ rất sớm – có thể đã ảnh hưởng đến cách Facebook giám sát, hoặc bỏ qua, các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội này trước các cuộc tranh cử năm 2016 và 2020. Wall Street Journal từng tiết lộ Thiel nằm trong nhóm gây sức ép khiến Zuckerberg không kiểm tra lại các quảng cáo mang tính chính trị trên nền tảng của mình.
nguồn : vnexpress.net