Giảm lương, cắt nhân sự và dừng đầu tư mới là động thái đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong lúc chờ tín hiệu rõ hơn từ nền kinh tế và chính phủ.
Năm ngoái, Phan Hồng Phúc quyết định lập công ty riêng sau thời gian tích lũy kinh nghiệm từ vị trí trưởng phòng kỹ thuật ở một nhà thầu xây dựng lớn. Nhưng "đứa con tinh thần" của anh chưa kịp trưởng thành đã đối mặt nhiều khó khăn khi thị trường bất động sản đi xuống.
"Hợp đồng xây dựng mới dần ít đi, những dự án đang triển khai bị chậm vốn, không đạt tiến độ, có lúc buộc phải dừng lại vì thiếu kinh phí", Hồng Phúc, Giám đốc công ty Xây dựng Phan Lê AP nói.
Giai đoạn đầu năm nay, doanh thu công ty anh giảm hơn 50% so với 2021. Phúc vẫn giữ nguyên số lượng nhân sự nhưng cắt giảm lương và phúc lợi. "Thời gian tới sẽ còn khó khăn nhiều hơn nữa", anh dự báo.
Chung cảnh ngộ, Phúc Thanh - một nhà cung cấp thiết bị âm thanh - cũng giảm 40% doanh thu trong quý IV/2022 và 50% trong hai tháng đầu năm nay. Nguyên nhân là các dự án lớn tạm dừng và thu nhập người dân co lại khiến nhu cầu của doanh nghiệp lẫn gia đình đều giảm.
"Chúng tôi chuyển nhân viên kỹ thuật đơn thuần sang kiêm nhiệm kinh doanh, hỗ trợ khách hàng", ông Phạm Văn Nguyên, Phó giám đốc cho biết. Cùng với đó, công ty này cắt giảm nhân sự giao nhận để chuyển sang thuê ngoài và cắt bớt ngân sách tiếp thị.
Thu hẹp quảng cáo, giảm lương và cắt người là các biện pháp thắt chặt chi phí phổ biến ở doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế hiện nay. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, quý I, thu nhập bình quân của lao động các ngành xây dựng, bất động sản, sản xuất và phân phối điện, khí đốt đều giảm.
nguồn : vnexpress.net