Số vốn đầu tư công chưa giải ngân còn khoảng 247.000 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch giao, nên Thủ tướng phê bình, yêu cầu các đơn vị giải ngân thấp kiểm điểm.
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại hội nghị đốc thúc đầu tư công hôm nay, vốn giải ngân đến hết tháng 11 là gần 461.000 tỷ đồng, tức hơn 65% kế hoạch Thủ tướng giao. Mức này cao hơn khoảng 122.600 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ 2022.
Tuy nhiên, còn 247.000 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch Thủ tướng giao chưa giải ngân hết, trong khi hơn một tháng là hết năm 2023. Hiện 43 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân đạt 44%, thấp hơn nhiều so với mức chung cả nước (65%). Trong số này, 15 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân dưới 15%, 8 địa phương dưới 50%.
Lý do giải ngân chưa đạt kỳ vọng, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện. Bởi cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên vật liệu tăng cao, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, nhưng số khác lại chậm trễ. Vướng mắc nữa được bộ này nêu là thể chế, chính sách và đặc thù quy mô vốn năm nay lớn, tăng 130.000 tỷ đồng so với kế hoạch 2022.
Trước thực tế này, Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình và yêu cầu các cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.
"Mỗi cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu cần nêu cao ý thức trách nhiệm với dân, với nước để không cần họp nhiều mà công việc vẫn chạy", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công, ngày 27/11. Ảnh: VGP
Ông yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành quy trách nhiệm đến từng cá nhân, coi kết quả giải ngân là căn cứ quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm. Công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực làm dự án kéo dài, đội vốn cần bị thay thế, kiểm điểm.
Các đơn vị, ban quản lý dự án đôn đốc nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ và xử lý người cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giao, giải ngân vốn.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhìn nhận đầu tư công có ý nghĩa quan trọng khi các động lực tăng trưởng xuất khẩu, tiêu dùng gặp khó khăn. Hiện xuất khẩu gặp khó do thị trường, tổng cầu thế giới thu hẹp. Còn tiêu dùng và thu ngân sách ghi nhận "tháng sau cao hơn tháng trước", nhưng cũng chậm.
"Đầu tư là động lực cần thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn. Đầu tư công là lĩnh vực chúng ta có thể chủ động thúc đẩy nhất trong bối cảnh hiện nay", Phó thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền giải pháp linh hoạt để năm nay giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn, tức hơn 676.000 tỷ đồng.
Bộ này cũng được yêu cầu sớm trình Chính phủ dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư vốn công năm 2024, không để "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả".
Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành, nhất là qua dịch vụ công trực tuyến. Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, kiểm soát giá và bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là xăng, dầu, sắt thép.
Các Bộ gồm Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm nguồn cung cát, đất đắp nền cho các dự án đường bộ cao tốc.
nguồn : vnexpress.net