Được xem là động lực tăng trưởng trong tương lai, việc phát triển kinh tế số của TP HCM theo chuyên gia cần giải các bài toán hạ tầng, chính sách, nhân lực.
Tại "Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2022" diễn ra sáng 15/4, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, địa phương định hướng đến 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2030, trở thành đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Cụ thể, TP HCM đặt mục tiêu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP. Không chỉ là địa phương đầu tiên công bố chương trình chuyển đổi số, mục tiêu này cũng cao hơn mục tiêu chung cả nước.
Nhiều nhà quản lý, chuyên gia đánh giá TP HCM có nhiều điều kiện để tăng tốc kinh tế số. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, các lợi thế bao gồm: quy mô nền kinh tế, sự hội nhập quốc tế, là trung tâm đổi mới sáng tạo, có đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ phát triển mạnh.
Cùng với đó, tỷ lệ người dân tham gia kết nối Internet và điện thoại di động hàng đầu cả nước. "Sau đại dịch, việc xem hoạt động chuyển đổi số là động lực tăng trưởng rất kịp thời", ông nói.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại diễn đàn. Ảnh: Viễn Thông
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch tập đoàn FPT cho rằng, TP HCM phải là "viên ngọc xanh" về chuyển đổi số. Bởi nơi đây có lực lượng lao động công nghệ thông tin lớn nhất cả nước, sử dụng kho dữ liệu trong chuyển đổi số tốt nhất và đi đầu về ứng dụng giao thông thông minh, y tế thông minh. "Tôi đề nghị TP HCM dành ít nhất không dưới 2% ngân sách hàng năm cho chuyển đổi số", ông nói.
Bên cạnh các thuận lợi, để nền kinh tế số thực sự bức tốc, các chuyên gia góp ý xây dựng hàng loạt trụ cột then chốt. Đầu tiên là cơ sở hạ tầng. Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần có được cơ sở hạ tầng vừa túi tiền, duy trì bền vững các dịch vụ số.
"Chúng tôi thấy Việt Nam làm rất tốt các kết nối cơ bản, dân số có tỷ lệ tiếp cận Internet cao nhưng còn nhiều việc cần cải thiện. Việt Nam vẫn xếp hạng thấp trong khu vực về độ sẵn sàng chuyển đổi lên công nghệ điện toán đám mây. Cùng với đó, cần đầu tư vào 5G, công nghệ thu thập xử lý dữ liệu", bà nói.
Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC cho biết, cần áp dụng hợp tác công tư trong đầu tư hạ tầng. Các chính sách đầu tư phù hợp với những chuẩn mực quốc tế sẽ thu hút được dòng vốn bên ngoài.
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban thường trực Ban kinh tế Trung ương chỉ ra hàng loạt hạ tầng có thể làm ngay như sớm đưa vào hoạt động Trung tâm hỗ trợ Chuyển đổi số - DXCenter, thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TP HCM. Cũng theo ông Phong, hạ tầng số trước mắt cần ưu tiên cho các ngành như y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, du lịch, giao thông -vận tải, tài nguyên - môi trường.
Thứ hai là phát triển một xã hội số, từ việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hành chính công, hoạt động doanh nghiệp và đời sống hàng ngày của người dân. Bà Carolyn Turk cho biết dù Việt Nam đã tích hợp 50% dịch vụ hành chính công lên cổng trực tuyến nhưng chỉ có khoảng 15% hồ sơ được giải quyết qua cổng, nghĩa là còn chặng đường dài để cổng này phổ biến.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông
"Cần tiếp tục cải cách các quy định về số hoá, cách tiếp cận dữ liệu nội bộ giữa các cơ quan nhà nước với bên ngoài", bà nói. Vị chuyên gia khuyến nghị phát triển một bộ kỹ năng cơ bản cho công dân TP HCM thích ứng với sự thay đổi của chuyển đổi số, đi cùng đó là phát triển khả năng an ninh, bảo mật. Cùng ý tưởng, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng nên biên soạn một "sổ tay chuyển đổi số" cho công dân thành phố.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng gợi ý, thành phố có thể đặt mục tiêu có được trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến cũng mượt mà như việc dùng email hay mạng xã hội. Ông cho rằng, một xã hội số thành hình khi người dân chỉ với chiếc điện thoại thông minh có thể giải quyết được hầu hết nhu cầu từ định danh cá nhân, thanh toán, ký chữ ký số... Cùng với đó, mỗi gia đình nên có một địa chỉ số.
Thứ ba là xây dựng nguồn nhân lực. Tiến sĩ Philipp Rösler, Nguyên Phó thủ tướng Đức, Cố vấn VinaCapital Ventures, đề xuất xây dựng TP HCM là "thành phố kỳ lân về công nghệ". Để làm việc này, theo ông là bắt đầu bằng việc tăng cường đào tạo nghề về kỹ thuật công nghệ.
"Thành phố có lượng người đủ nhiều, quy mô kinh tế đủ lớn, nhiều công ty hỗ trợ và chính quyền tốt. Đây là những điều kiện chín muồi để số hóa nền kinh tế. Cần hợp tác công tư để xây dựng hệ thống đào tạo nghề", ông nói.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng cần sớm chuyển đổi số trong chính hệ thống giáo dục đào tạo, phát triển các trường học số. Ông Trương Gia Bình kỳ vọng sau thành công của các "kỳ lân" như Axie Infinity hay Coin98, các môn học liên quan đến AI, IoT, Metaverse sẽ được phổ biến tại các trường học để có được đội ngũ nhân lực lớn.
Đã có một số tín hiệu cụ thể khi theo ông Bình, năm nay Đại học FPT sẽ nhập các chương trình đào tạo về ngành game từ Ấn Độ, Mỹ về đào tạo nhằm thực hiện ước mơ biến TP HCM thành "Hollywood of Games".
Hay như Viện Công nghệ Schaffhausen (SIT) và Đại học Jacobs tại Bremen (JUB) của Đức đã quyết định bắt tay hợp tác với Đại học FPT nhằm tuyển chọn sinh viên Việt Nam và chia sẻ các chương trình giảng dạy. "Với việc triển khai các chương trình trao đổi sinh viên, chúng tôi sẽ kết nạp thêm nhiều nhân tài vào SIT và JUB, đồng thời hỗ trợ đào tạo thêm nhiều chuyên gia công nghệ thông tin tại Việt Nam", Tiến sĩ Serg Bell, nhà sáng lập SIT nói.
Một số ước tính và thống kê cho biết, Việt Nam có khoảng một triệu lập trình viên, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu phần mềm, top 10 về đào tạo kỹ sư. TP HCM lại là trung tâm của nguồn nhân lực. "Công nghệ thúc đẩy sáng kiến, trong những năm tới sẽ xuất hiện rất nhiều đột phá khoa học công nghệ, do đó chúng ta phải chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực tài năng nhằm đón đầu làn sóng này", Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng Đại học FPT, đánh giá.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, mặc dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là yếu tố nhân lực kể cả 2 khía cạnh: Nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp - động lực và trở lực đang đan xen nhau. Đó cũng là bài toán cần giải quyết.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) mới đây, quy mô nền kinh tế số TP HCM năm 2021 là 191.768 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,27 tỷ USD), chiếm khoảng 14,4% GRDP thành phố. Tuy nhiên, HIDS lưu ý, số liệu này mang tính tham chiếu vì việc ước lượng quy mô nền kinh tế số hiện có nhiều phương pháp tiếp cận nên có thể dẫn đến các kết quả khác nhau.
nguồn : vnexpress.net