Trong lúc xuất khẩu sang Mỹ, EU gặp khó, doanh nghiệp Việt chuyển hướng tìm đơn hàng ở thị trường Thái Lan.
Nói bên lề diễn đàn kinh doanh Việt Nam hôm 25/8, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Liên đoàn thương mại và công nghiệp (VCCI) TP HCM cho biết hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm còn rất khó khăn. Theo ông, trong lúc các thị trường Mỹ, EU giảm đơn hàng, doanh nghiệp phải chuyển hướng nhiều hơn sang các nước lân cận như Thái Lan, Singapore,...để tìm đối tác mới, duy trì hoạt động.
Phó chủ tịch hội chợ và triển lãm Thái Lan Puripan Bunnag, cho hay nửa đầu năm, có khoảng 35.000 người (đa phần là doanh nghiệp) của Việt Nam đến Thái Lan thông qua Tổ chức hội chợ và triển lãm để tìm cơ hội bán hàng vào thị trường này, tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu thống kê từ Hải quan cũng cho thấy trong 7 tháng, Việt Nam xuất hàng hóa sang Thái đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, dầu thô, sắt thép, máy móc thiết bị, rau củ và thủy sản là mặt hàng được ưu tiên xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Puripan Bunnag, những năm gần đây, nông thủy sản Việt ngày càng được người Thái ưa chuộng. Các mặt hàng này có nét tương đồng với hàng Thái, nhưng có sự khác biệt về chất lượng và hương vị nên vẫn hấp dẫn người tiêu dùng nước họ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Nam cho biết nửa đầu năm, các tập đoàn lớn của Thái Lan như Central Retail, CP, SGC... ngoài tăng đầu tư, họ còn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua Thái Lan. Trong đó, nhiều đặc sản của Việt Nam như xoài, nhãn, vải được bán trên kệ các siêu thị của Central Retail tại Thái với giá cao gấp 4-5 lần so với trong nước.
Tại tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan mới đây cũng có 19 doanh nghiệp Việt Nam như King Coffee (cà phê hòa tan), Trung Nguyen (cà phê), Napoli Coffee, Bibica (snack), Acecook (mì gói), Vifon (phở ăn liền), Hai Binh (hạt điều rang củi), Chinsufoods (xì dầu)... được xuất khẩu trực tiếp sang nước này thông qua chuỗi siêu thị của Central Group Thái.
Nói với VnExpress, ông Nguyễn Đức Hưng, Tổng giám đốc chuỗi cà phê Napoli, cho biết tham giá các sự kiện triển lãm tại Thái Lan, công ty ông có cơ hội tiếp xúc nhiều đối tác để có thể ký những hợp đồng xuất khẩu. "Chúng tôi cũng học thêm được nhiều bài học về marketing và cách thiết kế bao bì hấp dẫn từ doanh nghiệp Thái để tiếp cận gần hơn với các khách quốc tế", ông Hưng nói.
Hàng Việt trưng bày tại Thái Lan tại sự kiện hôm 20/8. Ảnh: Linh Đan
Ông Hoàng Danh Hữu - CEO Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Nông Trại EDE - chuyên về socola và cà phê cũng cho rằng đang được đối tác hỗ trợ cung cấp hồ sơ, tài liệu về sản phẩm cho nhà chức trách FDA của Thái Lan. Sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận đủ điều kiện, công ty ông sẽ được xuất khẩu chính thức sang quốc gia này.
Mặc dù hàng Việt ngày càng len lỏi vào thị trường Thái Lan, ông Nam cho rằng còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Trước hết là Việt Nam vẫn đang nhập siêu hàng hóa từ quốc gia láng giềng này. Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam đến Thái Lan mới đạt 7,5 tỷ USD, tăng 21,5% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với nhập khẩu từ nước này là 14,1 tỷ USD. Điều đó cho thấy sự hiện diện của hàng Việt trên đất Thái còn thấp vì các sản phẩm của hai nước khá tương đồng, nhiều sản phẩm quốc gia này ưu tiên bảo hộ trong nước.
Do đó theo ông Nam, để hàng hóa ngày càng được người Thái ưa chuộng, ngoài sản phẩm chất lượng tốt, cần yếu tố độc đáo, giá thành hấp dẫn. Ngoài ra, xu hướng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường đang được ưu tiên nên doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào nhóm này.
Bên cạnh đó, để thâm nhập tốt thị trường Thái, hàng Việt cần thêm các hệ thống phân phối lớn để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn.
Hiện, Thái Lan là đối tác quan trọng của Việt Nam với thương mại 2 chiều đạt trên 25 tỷ USD.
nguồn : vnexpress.net