Lạm phát cơ bản tháng 6 của Nhật Bản là 3,3%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với Mỹ, lần đầu từ tháng 10/2015.
Theo số liệu mới công bố, chỉ số lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm tươi sống) của Nhật trong tháng 6 nhích thêm 0,1% so với tháng 5, ở mức 3,3%. Nguyên nhân chủ yếu là do giá điện tăng mạnh. Mức tăng này vẫn thấp hơn mức dự báo (3,5%) của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ).
Trong khi đó, lạm phát của Mỹ là 3% trong tháng 6. Như vậy, lần đầu sau 8 năm, lạm phát Nhật Bản vượt Mỹ.
Hôm 20/7, Chính phủ Nhật dự báo lạm phát năm nay có thể cán mốc 2,6%, cao hơn so với mức 2% được BOJ đưa ra; đồng thời hạ mục tiêu tăng trưởng từ 1,5% xuống còn 1,3%.
Áp lực giá cả ở Nhật Bản - nơi chứng kiến giảm phát suốt 30 năm qua - xuất hiện từ cuối năm 2022 và hiện chưa dừng lại. Cùng với diễn biến của yen những tuần qua càng khiến thị trường tin rằng BOJ sẽ phải thay đổi lập trường về nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm nay.
Tuần này, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda phát tín hiệu sẽ duy trì các biện pháp nới lỏng trong cuộc họp tuần tới. Động thái này của ông Ueda khiến đồng yen mất giá trước USD, dù có tín hiệu đi lên trong một tuần trở lại đây.
Yoshiki Shinke, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho rằng, lạm phát ở ngưỡng 3-4% là "không còn thấp". "Nhà chức trách cần có những bước đi cẩn trọng, bởi các công ty sẵn sàng chuyển gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng", ông bình luận.
Hiện, Nhật là quốc gia duy nhất trên thế giới có lãi suất âm. Tuy nhiên việc duy trì lãi suất thấp kỷ lục đang khiến chính sách của họ đi ngược lại làn sóng thắt chặt trên toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, số liệu lạm phát đang làm tăng xác suất BOJ điều chỉnh chính sách tiền tệ, và như vậy có thể gây ra những tác động nhất định tới tài chính toàn cầu.
nguồn : vnexpress.net