Sau khi chiến sự Ukraine nổ ra, doanh thu Eurasia Logistics Group - công ty ở biên giới Nga và Trung Quốc - tăng gấp đôi trong 2 năm liên tiếp.
Eurasia Logistics Group chỉ là một trong các công ty Nga hưởng lợi khi thương mại với Trung Quốc tăng lên vài năm gần đây. Nguyên nhân là các công ty phương Tây rời thị trường Nga sau chiến sự Ukraine, một phần vì e ngại các lệnh trừng phạt.
Thành công của Eurasia Logistics Group cũng cho thấy mối quan hệ kinh tế ngày càng thân thiết giữa Moskva và Bắc Kinh. Trung Quốc đang ngày mua nhiều dầu thô - huyết mạch kinh tế của Nga. Đổi lại, Trung Quốc cũng cung cấp cho Nga nhiều sản phẩm, đặc biệt là xe hơi và máy móc.
Số liệu thương mại năm 2023 của Trung Quốc cho thấy xuất khẩu xe hơi sang Nga cao gần gấp 7 lần năm 2022. Giá trị xuất khẩu cũng tăng thêm gần 10 tỷ USD.
Khi Bắc Kinh tăng mua dầu Nga giá rẻ, tổng kim ngạch thương mại song phương cũng tăng 64% lên 240 tỷ USD trong hai năm qua. "Đây là mối quan hệ kinh tế - thương mại hai bên cùng có lợi. Tôi hy vọng đây vẫn chưa phải là đỉnh và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trước báo giới tuần này.
Việc Trung Quốc sẵn sàng hợp tác kinh tế với Nga, bất chấp chiến sự tại Ukraine, được đánh giá giúp ích cho Tổng thống Nga Vladimir Putin rất nhiều trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra cuối tuần này.
"Thương mại Nga - Trung tăng vọt cho thấy các lệnh trừng phạt dần mất hiệu quả. Các quốc gia không tham gia trừng phạt đã tận dụng cơ hội kinh tế mà doanh nghiệp phương Tây bỏ lại", Zach Meyers - Giám đốc hãng tư vấn chính sách CER cho biết.
Xe hơi Trung Quốc tại cảng ở Vladivostok (Nga) tháng 8/2023. Ảnh: Reuters
Các hãng xe Trung Quốc đặc biệt hưởng lợi từ làn sóng doanh nghiệp phương Tây rời Nga. Nhiều hãng xe đã nhanh chóng bán lại tài sản và nhà máy ở đây với giá rẻ. Thị phần xe Trung Quốc tại Nga cũng tăng vọt từ chưa đầy 10% lên hơn 50% trong 2 năm.
Các đại lý trước đây bán Volkswagen, Renault và Stellantis thì nay chuyển hướng sang Changan, Geely và Chery - các thương hiệu xe Trung Quốc. "Bán các xe này rất lãi. Người Trung Quốc thích ứng rất nhanh. Quan điểm của người mua cũng đã thay đổi. Họ tin các thương hiệu này", Vladislav Vershinin - Giám đốc Bán hàng tại một đại lý ở ngoại ô Moskva cho biết.
Doanh số bán xe Changan tại Nga là gần 47.800 chiếc năm ngoái, tăng gấp 20 lần so với năm 2022, theo hãng dữ liệu Autostat. Đây là thương hiệu xe bán chạy thứ 5 tại Nga năm 2023. Số liệu tháng 2/2024 cho thấy 8 trên 10 thương hiệu xe bán chạy nhất Nga là đến từ Trung Quốc.
Dù vậy, Meyers cho biết việc mở rộng quan hệ Nga - Trung Quốc sẽ làm tăng rủi ro cho cả hai bên. "Rủi ro là Nga sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc phụ thuộc vào Nga. Đến nay, phương Tây vẫn là đối tác thương mại chính của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng sẽ mất rất nhiều nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến doanh nghiệp nước này", ông nói.
Peskov thì phủ nhận các rủi ro này. "Hiện tại, chúng tôi không nhận thấy rủi ro nào về kinh tế và chính trị. Từ trước khi chiến dịch quân sự diễn ra, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đặt mục tiêu thắt chặt thương mại và kinh tế, đưa kim ngạch song phương lên hơn 200 tỷ USD", ông nói.
Hiện tại, doanh nghiệp Trung Quốc đang giúp thị trường xe hơi Nga hồi sinh. Năm 2022, chỉ hơn 620.000 xe được bán ra. Con số này năm ngoái là 1,06 triệu chiếc, dù vẫn thấp hơn mức trước chiến sự là 1,52 triệu.
"Triển vọng bán xe phương Tây rất mù mịt. Nhưng các doanh nghiệp vẫn phải sống chứ, và hiện tại là sống nhờ thương hiệu Trung Quốc", Vershinin cho biết.
Nikita Minenkov - Giám đốc Eurasia Logistics tiết lộ doanh thu năm 2022 của công ty anh tăng gấp đôi so với năm trước đó. "Sang đầu năm 2023, nhu cầu còn lớn hơn. Mọi người mua rất nhiều, vì lo Trung Quốc đột ngột chấm dứt quan hệ", anh nói.
Nga còn đang lên kế hoạch đưa năng lực vận tải đường sắt sang vùng Viễn Đông lên 466 tỷ ruble (4 tỷ USD) hàng hóa năm nay, tăng 40% so với năm ngoái. Việc này chủ yếu giúp Nga tăng thương mại với Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, với các hàng hóa như than đá, dầu mỏ và khoáng sản.
Yevgeny Gudkov - Giám đốc Kinh doanh tại hãng nhập khẩu máy đài và xe nâng KST cho biết 2 năm trước, nguồn cung từ Trung Quốc gần như không có. Tuy nhiên, công ty đã phải chuyển hướng khi thị trường châu Âu đóng lại với Nga, còn nhu cầu thiết bị từ Trung Quốc lại tăng vọt.
"Nhu cầu tạo ra nguồn cung. Chúng tôi không tạo ra thị trường. Mà chính thị trường tạo ra chúng tôi", ông nói.
nguồn : vnexpress.net