Xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc theo các cửa khẩu biên giới phía Bắc giảm hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,15 tỷ USD 4 tháng đầu năm.
Thông tin trên được Bộ Công Thương dẫn số liệu từ hải quan. Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đạt hơn 509 triệu USD, giảm trên 87% so với cùng kỳ 2021. Chiều nhập khẩu từ nước này cũng giảm 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,64 tỷ USD.
Tính chung kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc 4 tháng đạt 4,15 tỷ USD, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý do chính khiến thương mại hai chiều qua cửa khẩu biên giới với Trung Quốc giảm sâu, theo Bộ Công Thương, do nước này duy trì chính sách "zero Covid" và siết các biện pháp phòng dịch, kiểm soát hàng hoá, phương tiện... Việc này ảnh hưởng tới tốc độ thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc, thậm chí có thời điểm hàng hoá ùn tắc tại cửa khẩu kéo dài.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics cho xuất nhập khẩu hàng hoá của một số tỉnh biên giới còn thiếu, yếu; cửa khẩu quốc tế đường sắt chưa được phát huy lợi thế do khác biệt về khổ đường ray; hạ tầng thương mại biên giới quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ưng được yêu cầu về trao đổi, lưu thông hàng hóa với Trung Quốc.
Thông quan hàng hoá tại cửa khẩu Kim Thành II, Lào Cai, cuối năm 2020. Ảnh: Giang Huy
Nhiều doanh nghiệp hai nước hiện vẫn chọn xuất khẩu "tiểu ngạch" - hình thức trao đổi cư dân biên giới, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán, kiểm dịch, ép cấp, ép giá, ùn tắc...
Hiện nay, các cửa khẩu tại Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đã thông quan trở lại sau nhiều tháng dừng vì phía Trung Quốc siết chặt phòng Covid-19.
Ở cửa khẩu Lào Cai, chính quyền tỉnh Vân Nam cũng đã khôi phục thông quan hàng hoá tại nhiều cặp cửa khẩu, nhưng vẫn dừng thông quan nhiều mặt hàng nông sản, trái cây tươi (thanh long, chuối, vải thiều, nhãn, xoài...). Việc này dẫn tới lượng hàng hóa dồn về các cửa khẩu của Lạng Sơn để làm thủ tục xuất khẩu, trong khi năng lực thông quan các cửa khẩu đường bộ tại đây chưa cải thiện.
Chẳng hạn, năng lực thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu xuất khẩu trái cây chính của Việt Nam sang Trung Quốc, hiện trên 100 xe một ngày, chỉ bằng 1/3 so với trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Vì thế, Bộ Công Thương lo ngại nguy cơ tái diễn tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như trước Tết Nguyên đán 2022 nếu không được tháo gỡ kịp thời.
Năm ngoái, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2021 đạt gần 166 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang nước này gần 56 tỷ USD, còn nhập khẩu khoảng 110 tỷ USD.
Riêng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc năm ngoái đạt gần 42 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 15,6 tỷ USD, còn nhập khẩu 26,2 tỷ USD.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc là nông sản, điện thoại linh kiện, máy tính, và nhập khẩu phần lớn máy móc thiết bị, sản phẩm điện tử và linh kiện...
nguồn : vnexpress.net