Doanh thu vàng 24K của PNJ nửa đầu năm tăng 81% lên khoảng 9.177 tỷ đồng, cao hơn mức cả năm từ 2022 trở về trước.
Thông tin trên được nêu trong báo cáo kết quả kinh doanh mới đây của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Theo đó, vàng 24K (vàng miếng và nhẫn trơn) là mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất, trong khi trang sức bán lẻ và sỉ chỉ tăng lần lượt 14% và 20% so với cùng kỳ 2023. Nhờ sự sôi động của thị trường, trung bình mỗi ngày công ty có hơn 50 tỷ đồng doanh thu từ kim loại quý.
Doanh thu vàng 24K trong nửa đầu năm nay cao hơn mức doanh thu của cả năm tính từ 2022 trở về trước. Con số này chỉ còn cách mục tiêu doanh thu vàng 24K của năm nay khoảng 1.260 tỷ đồng.
Nhưng với PNJ, điều này chưa hẳn tích cực. Biên lợi nhuận gộp trung bình 6 tháng của công ty ghi nhận 16,4%, giảm so với mức 18,9% của cùng kỳ 2023 do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh. Vàng 24K có biên lợi nhuận không cao nhưng đóng góp tỷ trọng đến 41,5% doanh thu so với mức 30,7% của nửa đầu năm ngoái. Công ty này đã phải thực hiện các biện pháp tối ưu nguồn lực, nâng cao năng lực vận hành để duy trì biên lợi nhuận gộp trung bình ở mức tích cực.
Tại đại hội cổ đông hồi tháng 4, Tổng giám đốc Lê Trí Thông nói đã có sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Hiện người dân chuộng mua vàng 24K với mục tiêu phòng thủ và đầu tư. Nhu cầu này cao hơn hẳn và khác những năm trước khi khách hàng tìm đến PNJ chủ yếu qua trang sức và chú trọng tính thời trang. Trong khi đó, biên lợi nhuận các sản phẩm vàng 24K rất thấp, không tới 1%. Do đó, công ty dự báo kịch bản doanh thu tăng nhưng tốc độ tích lũy lợi nhuận sẽ chậm hơn.
Thực tế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PNJ tăng 34,3% lên khoảng 22.113 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ nhích thêm 7,4% lên 1.167 tỷ đồng. Công ty vẫn hoàn thành hơn một nửa kế hoạch kinh doanh kỷ lục đề ra cho cả năm.
Từ năm ngoái, vàng miếng lần đầu chiếm gần một phần ba trong cơ cấu doanh thu công ty. Thời điểm đó, thị trường ghi nhận giá vàng tăng nhanh và biến động mạnh, riêng ba tháng cuối năm đã từng bước cán hai mốc kỷ lục 70 triệu và 80 triệu đồng mỗi lượng.
Dẫu vậy, ban lãnh đạo PNJ nhiều lần khẳng định biên lợi nhuận của mảng này thấp, ảnh hưởng đến biên lãi gộp toàn công ty. Năm nay, doanh nghiệp này còn đối mặt khó khăn lớn về nguồn nguyên liệu chính ngạch. Chủ tịch Hội đồng quản trị Cao Thị Ngọc Dung nói có nhiều lúc công ty không có vàng để bán.
Báo cáo gần đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nêu quan điểm, giá vàng biến động giúp doanh thu sản phẩm này và tài sản của PNJ tăng. Tuy nhiên, khi giá kim loại quý neo cao có một số tác động đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này như mảng vàng 24K sẽ chiếm thị phần của vàng trang sức.
PNJ cũng phải tính toán thời điểm mua nguyên vật liệu đầu vào (tránh mua nhiều khi giá cao), đồng thời phải tìm cách bảo toàn tài sản nếu giá vàng xuống. Công ty cũng có thể gặp khó trong dự báo nhu cầu mua của khách hàng để đưa vào sản xuất. Điều này sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng phần nào đến hoạt động kinh doanh của PNJ như giảm biên lợi nhuận, thừa hoặc thiếu hàng.
Tuy nhiên KBSV dự đoán với quyết tâm của Chính phủ về minh bạch và ổn định thị trường vàng, giá kim loại quý ổn định trở lại sẽ giúp tình hình kinh doanh PNJ khởi sắc hơn.
nguồn : vnexpress.net