Sức ép giảm phát với Trung Quốc ngày một lớn khi giá cả tháng trước chỉ tăng 0,1%, cho thấy nhu cầu nội địa vẫn yếu.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của nước này chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ tháng 2/2021.
Hai tháng trước đó, lạm phát Trung Quốc lần lượt là 1% và 0,7%. Mục tiêu lạm phát của Trung Quốc năm nay là 3%. Năm ngoái, mức tăng CPI là 2%.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 3,6% trong tháng 4. Đây là mức giảm lớn nhất 3 năm. PPI của Trung Quốc đã đi xuống 7 tháng liên tiếp.
Mức tăng giá tại Trung Quốc không có cải thiện bất chấp việc Ngân hàng Trung ương nước này đã hạ lãi suất và bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính. Giới phân tích cho rằng lo lắng về triển vọng kinh tế khiến các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục tiết kiệm tiền thay vì chi tiêu. Các công ty cũng ngần ngại đầu tư mới. Việc này có thể gây ra vòng xoáy giảm giá – giảm lương khiến nền kinh tế khó hồi phục hoàn toàn.
GDP Trung Quốc tăng mạnh hơn dự kiến trong quý I, nhờ gỡ bỏ chính sách Zero Covid. Tuy nhiên, quy mô hồi phục chưa đồng đều. Các số liệu gần đây cho thấy hoạt động tại nhà máy co lại, trong khi ngành bất động sản vẫn ảm đạm.
Việc mở cửa có thể kéo lạm phát ngành dịch vụ lên cao, nhưng mức tăng giá thực phẩm và năng lượng lại thấp, giới phân tích cho biết. Giá rau tháng trước giảm 13,5%. Giá thịt lợn chỉ tăng 4%, bằng nửa tháng 3.
Số liệu mới nhất này có thể tăng thêm sức ép lên PBOC. Hồi tháng 3, họ đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho các ngân hàng, lần đầu tiên trong năm nay.
Trung Quốc cũng đã yêu cầu các ngân hàng giảm trần lãi suất tiền gửi. "Trong bối cảnh đà hồi phục hậu Covid-19 yếu ớt, PBOC chỉ đạo giảm lãi suất huy động, lạm phát giảm tốc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra tín hiệu dừng nâng lãi, chúng tôi dự báo PBOC sắp giảm lãi suất cho vay", Ting Lu – nhà kinh tế học tại Nomura cho biết.
nguồn : vnexpress.net