Mô hình trưởng thành số giúp đánh giá toàn diện thực trạng doanh nghiệp, tạo tiền đề xác định chiến lược, xây dựng lộ trình chuyển đổi số hiệu quả.
Rào cản trong chuyển đổi số
Trải qua hai năm đại dịch, doanh nghiệp Việt ở nhiều quy mô, lĩnh vực đều nhận định rằng chuyển đổi số là chìa khóa phục hồi mà, tăng tốc và phát triển bền vững. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất nhiều doanh nghiệp gặp phải là không biết bắt đầu từ đâu.
Từ kinh nghiệm đồng hành cùng hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ trong chuyển đổi số, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, tự bản thân doanh nghiệp khó có thể trả lời chính xác vấn đề trên vì có nhiều rào cản cần phải vượt qua.
"Khi bắt tay triển khai chuyển đổi số, mỗi doanh nghiệp đều vấp phải những rào cản rất đặc thù. Có doanh nghiệp khó khăn về vốn đầu tư, thiếu nền tảng công nghệ thông tin cơ bản. Có doanh nghiệp lại vướng về nguồn lực con người hay thay đổi tư duy, tập quán kinh doanh. Một số thì lại quá vội, muốn chuyển đổi số bằng mọi giá. Số khác lại chần chừ, chờ đợi một giải pháp tổng thể", ông Bình nói.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT trong một lễ ký kết về chuyển đổi số. Ảnh: FPT Digital
Đo mức độ trưởng thành số
Nhiều nguyên nhân gây ra sự chậm trễ thậm chí dẫn tới thất bại của chương trình chuyển đổi số, nhưng phần lớn là do chưa thấu hiểu được những vấn đề nội tại cần thay đổi của doanh nghiệp.
Hầu hết các đơn vị không biết chính xác "sức khỏe nội tại" của doanh nghiệp. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Gia Bình cho biết: "Điểm mấu chốt trong hành trình chuyển đổi số là doanh nghiệp phải hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của mình. Hay nói cách khác là cần được các chuyên gia hàng đầu "khám sức khỏe tổng quát". Dựa trên kết quả đo khám này, mới bắt đầu "bắt bệnh", tư vấn và đưa ra phác đồ, lộ trình phù hợp".
Ở góc độ chuyên gia tư vấn, ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital cũng cho rằng để trả lời chính xác nhất câu hỏi "chuyển đổi số bắt đầu từ đâu", doanh nghiệp cần được các chuyên gia đầu ngành tư vấn. "Thuật ngữ chuyên môn chúng tôi hay dùng là "đo mức độ trưởng thành số" của doanh nghiệp. Từ kết quả đo đạc này, các chuyên gia sẽ phân tính đánh giá và tư vấn các bước tiếp theo như xác định chiến lược, phân tích khoảng cách từ điểm xuất phát đến mục tiêu, xây dựng các sáng kiến số và lộ trình chuyển đổi số", ông Giang chia sẻ.
Ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng Giám đốc FPT Digital trong buổi giải đáp với doanh nghiệp về chuyển đổi số. Ảnh: FPT Digital
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, trước khi bắt đầu, các đơn vị cần đo mức độ trưởng thành số để biết hiện trạng, tiềm năng. Việc hiểu rõ thực trạng và đối chuẩn với những tiêu chí trong ngành, khu vực thị trường sẽ là tiền đề quan trọng giúp tránh "bẫy chuyển đổi số". đồng thời xác định chính xác mục tiêu ưu tiên và vị thế tương lai.
Phương pháp giúp chuyển đổi số hiệu quả
Chia sẻ về phương pháp chuyển đổi số hiệu quả, ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng giám đốc FPT Digital cho biết: "Những năm qua, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều chiến dịch chuyển đổi số cho các khách hàng, đối tác trên cả ba trụ cột là kinh doanh, công nghệ và con người dựa trên phương pháp luận FPT Digital Kaizen".
Lãnh đạo của FPT Digital cho rằng, các công ty, doanh nghiệp có thể sử dụng mô hình đánh giá mức độ trưởng thành số của FPT Digital như một công cụ trong việc xác định hướng đi trên hành trình chuyển đổi số, cung cấp cho các nhà quản lý cái nhìn đầy đủ về hiện trạng của doanh nghiệp.
Nói về tầm quan trọng của đo mức độ trưởng thành số doanh nghiệp, ông Giang dẫn ví dụ về quá trình làm việc của FPT Digitel với khối doanh nghiệp sản xuất. Rất nhiều đơn vị sản xuất có hệ thống máy móc thiết bị chênh lệch nhau từ tuổi đời đến công nghệ ứng dụng, dẫn tới việc quản lý dữ liệu cũng chia ra nhiều cấp độ, khó kết nối liền mạch theo chuỗi giá trị. Khi các đơn vị này kỳ vọng về chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, FPT Digital cần phải đo lường rất chính xác hiện trạng mới có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả.
"Bước đầu tiên, doanh nghiệp cần nắm bắt mức độ trưởng thành số của mình, so sánh với đối thủ cũng như mặt bằng chung của các doanh nghiệp có cùng quy mô", ông Giang nói. Khi đã biết mức độ trưởng thành số, doanh nghiệp sẽ dễ dàng nắm được các bước thực hiện tiếp theo, đích đến của quá trình, nguồn nhân lực tham gia và cách tổ chức mô hình hoạt động trong môi trường số. Kế hoạch chuyển đổi số khả thi và tối ưu nhất hay các chính sách và thể chế để tăng tốc chuyển đổi số cũng sẽ được chuyên gia vạch ra khi nắm được mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp.
Mức độ trưởng thành số sẽ giúp doanh nghiệp có đầy đủ thông tin để định vị chính xác vị trí và vị thế mức độ số hóa, tổng thể trên 6 khía cạnh chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh gồm khách hàng, vận hành, chiến lược, công nghệ, văn hóa và dữ liệu. Từ đó, đơn vị có thể xác định các chỉ tiêu ưu tiên cho quá trình xây dựng lộ trình chuyển đổi theo đối chuẩn với các doanh nghiệp cùng quy mô. Cuối cùng, việc lựa chọn trong đầu tư và triển khai các sáng kiến, giải pháp số có thể tối ưu hơn.
"Những đánh giá có độ chính xác cao về toàn bộ hiện trạng và đối chuẩn theo ngành sẽ giúp các nhà quản lý đưa ra hướng đi phù hợp nhất với mục tiêu và tầm nhìn đã đặt ra, đồng thời tránh đầu tư ồ ạt theo yêu cầu ngắn hạn. Có thể nói đánh giá mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp là chìa khóa để xác định bước đi tiếp theo.", ông Giang khẳng định.
nguồn : vnexpress.net