Chính phủ đề xuất gia hạn gói lãi suất 2% thuộc chương trình phục hồi kinh tế tới hết năm nay, nếu không giải ngân hết sẽ hủy dự toán, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Thông tin này được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại Quốc hội, chiều 1/11, trước băn khoăn của các đại biểu Quốc hội việc gói hỗ trợ lãi suất 2% quá chậm.
Theo Bộ trưởng Dũng, khoảng 176.000 tỷ đồng (tương đương 50% nguồn lực) của chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội được dành đầu tư vào những dự án hạ tầng trọng điểm, chiến lược. Tuy vậy, một số chính sách thuộc chương trình phục hồi, như gói hỗ trợ lãi suất 2% của ngành ngân hàng giải ngân thấp. Đến cuối tháng 10, gói này mới giải ngân 873 tỷ đồng, tức gần 2,3% nguồn lực (40.000 tỷ đồng).
"Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện tiếp gói hỗ trợ lãi suất này tới hết năm 2023, nếu không giải ngân được hết thì sẽ hủy dự toán", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, và thêm rằng việc này không ảnh hưởng tới bội chi do đây là khoản chưa huy động.
Thay vào đó, Chính phủ sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền các chính sách tài khóa khác để hỗ trợ doanh nghiệp, như kéo dài thời gian giảm thuế VAT, miễn, giãn hoãn các loại phí, lệ phí...
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội, chiều 1/11. Ảnh: Media Quốc hội
Thảo luận trước đó, nhiều đại biểu băn khoăn khi chính sách hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân rất thấp. Ông Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách TP Đà Nẵng bày tỏ thất vọng khi gói hỗ trợ 2% - chính sách được kỳ vọng giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về vốn, đến nay được đánh giá không khả thi.
Còn ông Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị Chính phủ ngoài tháo gỡ để đẩy nhanh gói này, cần làm rõ trách nhiệm khi chính sách triển khai chậm trễ.
Giải thích lý do gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa đạt kỳ vọng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay kinh tế vừa qua khó khăn nên doanh nghiệp đủ điều kiện thì không muốn vay, đơn vị muốn vay lại không đáp ứng tiêu chí.
Điểm nghẽn khác, ông Dũng nêu, là quy định "dự án có khả năng phục hồi" mới được vay vốn, khiến cả bên cho vay và người đi vay đều ngại, không biết nên hiểu thế nào cho đúng.
Ngoài "tâm lý e ngại về hồ sơ thủ tục hậu kiểm của khách hàng", Kiểm toán Nhà nước tại báo cáo gửi Quốc hội cũng chỉ ra lý do từ phía các ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chưa chú trọng công tác truyền thông; các ngân hàng thương mại chưa chủ động triển khai chính sách này.
Một số ngân hàng như BacABank, NCB, GPBank rà soát có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế tiền hỗ trợ bằng 0; hoặc một số nhà băng tự rà soát số khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lớn, song kết quả hỗ trợ thấp.
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ kết thúc chính sách này sau 2023 nếu không giải ngân thêm, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Đổi mới phát triển doanh nghiệp TP HCM, gợi ý có thể vận dụng cơ chế này cho 2 năm tới (2024-2025). Tức là có thể sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021-2025 để dành nguồn lực này đầu tư cho các dự án cấp bách trong y tế, giáo dục và giao thông quan trọng.
nguồn : vnexpress.net