14 tháng sau khi xung đột Ukraine bùng phát, chỉ một phần nhỏ trong hàng trăm công ty phương Tây từng tuyên bố rời Nga thực sự làm được điều này.
Hàng loạt công ty phương Tây năm ngoái tuyên bố rời khỏi Nga nhằm phản ứng với chiến sự tại Ukraine. Làn sóng này tạo ra thách thức lớn đến mức Điện Kremlin đã làm tất cả những gì có thể để ngăn các công ty nước ngoài rời đi, buộc họ phải xin phép nhà nước nếu muốn bán tài sản, tịch thu tài sản và cấm các ngân hàng nước ngoài hay các công ty năng lượng bán cổ phần nếu chưa được Tổng thống Vladimir Putin chấp thuận.
Bộ Tài chính Nga tháng 12/2022 công bố một số biện pháp chống lại các nhà đầu tư từ "các quốc gia không thân thiện" bán tài sản, trong đó có chiết khấu 50% trên giá bán và đánh thuế 10%.
"Người tiêu dùng Nga vẫn muốn mua những sản phẩm mà họ quen thuộc, với các nhãn hiệu phương Tây", Ivan Fedyakov, chuyên gia từ công ty nghiên cứu thị trường INFOLine, cho hay. "Mọi người biết rằng không gì có thể thay thế được một chiếc BMW, Mercedes hay điện thoại iPhone".
Một cửa hàng bán đồ Apple đóng cửa tại St. Petersburg hồi tháng 3 năm ngoái. Ảnh: Reuters
Theo thống kê của Trường Kinh tế Kiev (KSE), kể từ khi chiến sự bùng phát, 3.141 doanh nghiệp nước ngoài đã tuyên bố rời khỏi Nga. Nhưng 14 tháng trôi qua, báo cáo của họ KSE cho thấy chỉ 211 công ty đã thực sự rời đi, chiếm chưa đầy 7%.
Trong khi đó, 1.228 công ty vẫn ở lại và hơn 1.200 công ty, dù đã thu nhỏ hoạt động, vẫn duy trì kinh doanh hoặc để ngỏ các lựa chọn của họ, theo Andrii Onopriienko, giám đốc dự án tại KSE.
Một nghiên cứu của Đại học St. Gallen, Thụy Sĩ, cũng cho thấy chưa đầy 9% các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) và G7 có công ty con ở Nga đã rời khỏi nước này vào tháng 11 năm ngoái.
Việc nhiều công ty phương Tây ngần ngại rời Nga, dù do yếu tố chủ quan hoặc khách quan, đã làm suy yếu đáng kể nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tăng sức ép lên nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt. Onopriienko cho hay các công ty mà KSE đang theo dõi đã tạo ra doanh thu hơn 300 tỷ USD và nộp thuế 24 tỷ USD cho Nga vào năm 2020.
Tiền thuế do các công ty nước ngoài đóng góp đang phần nào giúp Moskva duy trì các hoạt động quân sự, đồng thời cho phép người Nga tận hưởng các tiện nghi cũng như chất lượng cuộc sống không khác nhiều so với trước đây.
Mặc dù BMW, Mercedes và Apple đã thông báo ngừng bán hàng tại Nga, sản phẩm của họ và của các thương hiệu xa xỉ phương Tây khác vẫn phổ biến ở nước này, trong một số trường hợp là do nhập khẩu trên thị trường chợ đen.
Biển hiệu của công ty Apple tại một trung tâm thương mại ở thủ đô Moskva, Nga, hồi năm 2021. Ảnh: AFP
Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine đã liệt 19 công ty nước ngoài vẫn hoạt động ở Nga vào danh sách tài trợ chiến tranh, trong đó có chuỗi siêu thị Auchan và công ty mỹ phẩm Yves Rocher, Pháp, tập đoàn đa quốc gia Procter & Gamble của Mỹ hay nhà bán buôn Metro, Đức.
Nhưng Onopriienko cũng phải thừa nhận rằng đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, họ "không có khả năng rời Nga theo cách thông thường". Dưới sức ép từ các chính sách của Nga, nhiều công ty chỉ biết "nín thở chờ đợi". Tuy nhiên, với những công ty chần chừ, thời gian càng kéo dài, nỗ lực đoạn tuyệt với Nga sẽ chỉ ngày càng trở nên tốn kém và phức tạp hơn.
"Sau một năm xung đột, nhiều công ty sẽ mất cơ hội bán doanh nghiệp của mình và tiếp tục thua lỗ vì cuối cùng, những tài sản đó có thể bị quốc hữu hóa hoặc mua lại với giá rất rẻ", Onopriienko nói.
Thống kê của Trường Quản lý Yale, thuộc Đại học Yale, Mỹ, cho thấy trong số 1.600 doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài ở Nga, 1.022 đang rút lui hoặc tạm dừng hoạt động, 234 công ty vẫn bám trụ, số còn lại chọn cách thu nhỏ quy mô hoặc trì hoãn ra quyết định. Các nghiên cứu của KSE, St. Gallen và Đại học Yale sử dụng những phương pháp tính toán và tiêu chí không giống nhau.
"Có rất nhiều công ty mà mọi người nghĩ rằng họ đã rời khỏi Nga sau khi thông báo như vậy", Mark Dixon, nhà sáng lập the1, công ty tư vấn mua bán và sáp nhập, trụ sở ở London, Anh, nói. Nhưng thực tế, nhiều công ty không thực hiện lời hứa, trong khi một số làm ít hơn những gì đã cam kết, điển hình như Coca-Cola.
Ngay sau khi xung đột bùng phát, Coca-Cola cho biết họ đang "tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga". Nhưng Coca-Cola HBC, công ty đóng chai có trụ sở tại Thụy Sĩ với 23,2% cổ phần do Coca-Cola nắm giữ, đã chuyển đổi công ty con tại Nga, Coca-Cola HBC Eurasia, thành công ty khác mang tên Multon Partners vào tháng 8/2022.
Multon Partners vẫn tiếp tục vận hành 10 nhà máy sản xuất các loại đồ uống dưới tên gọi khác ở Nga, trong đó có Dobry Cola, Rich và Moya Semya. "Mục tiêu chính của chúng tôi tại Nga là tập trung bảo vệ tài sản và con người", giám đốc điều hành Coca-Cola HBC Zoran Bogdanovic, cho hay.
"Họ đang che giấu tình hình hoạt động thực tế", Onopriienko lưu ý. "Và chúng tôi nhận thấy một tỷ lệ khá lớn doanh thu đang được tạo ra ở Nga".
PepsiCo, đối thủ của Coca-Cola, đã đình chỉ bán sản phẩm Pepsi-Cola, Mirinda và 7-Up ở Nga, tuyên bố sẽ chỉ sản xuất những mặt hàng thiết yếu như các sản phẩm từ sữa vì lý do nhân đạo, nhưng họ vẫn tiếp tục bán khoai tây chiên tại nước này.
"Họ không đề cập đến việc vẫn còn hai nhà máy ở Nga sản xuất khoai tây chiên. Nếu khoai tây chiên là nhu yếu phẩm, thì thực phẩm nào không phải?", Dixon nói.
Unilever, với lời giải thích tương tự, cũng đang bán kem Magnum tại Nga. Ikea, gã khổng lồ nội thất Thụy Điển, tuyên bố đang rời Nga, nhưng các trung tâm mua sắm Mega thuộc sở hữu của họ vẫn tiếp tục hoạt động.
Nhưng Dixon cũng thừa nhận rằng việc rời khỏi Nga là "rất khó khăn", đặc biệt đối với các công ty có nhà máy. "Bạn không thể chỉ phát một thông cáo báo chí là xong. Bạn không thể cứ thế rời đi, mà phải bán tài sản và tìm bên sẵn sàng mua chúng", ông nói.
Quá trình rời Nga cũng tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian. 4 ngày sau khi giao tranh diễn ra, Shell tuyên bố họ sẽ rời khỏi Nga và bán gần 27,5% cổ phần của mình trong cơ sở sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2, thuộc tập đoàn Novatek, ở vùng Viễn Đông với giá 1,6 tỷ USD.
Hồi đầu tháng 4, truyền thông Nga đưa tin Tổng thống Putin chỉ cho phép Shell nhận lại 1,2 tỷ USD từ việc bán cổ phần tại cơ sở Sakhalin-2. "Ngay cả khi các công ty bán được tài sản ở Nga, họ cũng không thể tùy ý đưa tiền ra khỏi nước này", chuyên gia Fedyakov từ công ty nghiên cứu thị trường INFOLine, nói.
nguồn : vnexpress.net