Chuỗi cung ứng bị gián đoạn suốt thời gian dài do tác động từ Covid-19, cuộc xung đột Nga – Ukraine, giá dầu tăng, suy thoái kinh tế và thời tiết khắc nghiệt.
Khủng hoảng chuỗi cung ứng kéo dài từ năm 2020 đến nay bắt nguồn từ đại dịch Covid-19. Dù các quốc gia, doanh nghiệp, nhà quản lý đã có nhiều biện pháp cải thiện nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề này trong tương lai gần. Theo Maersk, có năm lý do dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng.
Chuỗi cung ứng đang trong giai đoạn gặp nhiều thách thức. Ảnh: Maersk
Covid-19
Tác động của Covid-19 vẫn đang hiện hữu trên toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, đang duy trì chiến lược "Zero Covid" với các đợt phong tỏa mới và kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa.
Theo báo cáo của Loadstar, tính đến ngày 21/10/2022, khối lượng vận chuyển hàng hải tại cảng Thượng Hải giảm 15%, Thâm Quyến giảm 21% và Ninh Ba - Chu Sơn giảm 29%. Điều này dẫn đến loạt gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nghẽn cảng tại Bắc Âu. Tuy nhiên, các trung tâm chính đang có một số dấu hiệu cải thiện gần đây.
Xét về tác động gián tiếp, tất cả đều ảnh hưởng đến truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Dữ liệu từ Fleetpoint cho thấy, 67% các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng châu Âu nhận ra khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa là điều khó khăn nhất khi vận chuyển và đại dịch làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Xung đột ở Ukraine
Cuộc xung đột ở Ukraine đã tác động cơ bản đến logistics toàn cầu, làm căng thẳng thêm hệ thống vốn bị áp lực và gây gián đoạn trên diện rộng. Cụ thể, các tuyến thương mại và logistics nội địa quan trọng bị chặn, các tàu đi qua Biển Đen không di chuyển và nhiều công ty Nga bị áp lệnh trừng phạt. Tất cả đang tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc và dầu hướng dương bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine. Ngũ cốc không chỉ là nguồn lương thực chính, còn là thành phần cơ bản trong danh sách thực phẩm của người dân châu Âu. Do đó, một thị trường bình thường hóa đang trở nên mơ hồ trong mắt các nhà quản lý chuỗi cung ứng và cả người dân.
Giá dầu tăng
Dầu là một ví dụ khác đang gây ra sự gián đoạn. Dữ liệu của EU cho thấy Nga cung cấp 25,9% lượng dầu mỏ cho khu vực này vào năm 2021. Đến quý 2 năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn 16,7%, đánh dấu mức giảm đáng kể.
Sự thiếu hụt sẽ dẫn đến chi phí tăng vọt. Giá dầu đã từ 125 USD giảm còn khoảng 90 USD mỗi thùng trong những tháng gần đây, nhưng vẫn gần gấp đôi giá trước xung đột Nga – Ukraine.
Suy thoái kinh tế
Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu ở mức 10,7%, giá cả tăng cao, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút và nhu cầu hàng hóa bị thu hẹp, dẫn đến lượng hàng tồn kho tích tụ.
Những điều này làm tăng áp lực lên tỷ suất lợi nhuận, khiến các công ty khó xây dựng dự báo nhu cầu chính xác hơn.
Thời tiết thất thường
Thời tiết khắc nghiệt thường là "đòn giáng" khiến chuỗi cung ứng đình trệ. Chỉ 11% nhà cung cấp chuẩn bị đầy đủ trước sự gián đoạn liên quan đến thời tiết, theo một nghiên cứu gần đây của Harvard Business Review. Những công ty này đang sẵn sàng cho vị trí quan trọng hơn trong thị trường, nhằm tận dụng nhu cầu trong khi các đối thủ bị tụt lại phía sau.
Việc bổ sung vận tải hàng không vào các giải pháp logistics đa phương thức cho phép khách hàng xử lý công việc nhanh chóng. Vì vậy, khi gián đoạn xảy ra, khách hàng vẫn có thể tận dụng các cơ hội thị trường quan trọng.
Vận tải hàng không mang đến sự linh hoạt để nhà bán hàng tìm tuyến đường thay thế các tuyến đường thương mại bị tắc nghẽn hoặc hạn chế vận tải đường biển. Nó cung cấp một nền tảng vững chắc để giảm bớt áp lực cho chuỗi cung ứng, hệ lụy từ giá dầu tăng cao. Vận tải hàng không còn giúp khách hàng tăng lợi thế cạnh tranh trong thời điểm hiện tại.
nguồn : vnexpress.net