Các doanh nghiệp cho rằng ngày khuyến mãi 11/11 hay 12/12 vẫn có khả năng tăng trưởng cao so với ngày thường nhưng sức nóng dự kiến không bằng các năm trước.
Quý IV - mùa mua sắm trực tuyến cao điểm nhất năm - có hai ngày bán hàng khuyến mãi lớn nhất là 11/11 và 12/12 bên cạnh các đợt giảm giá dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch. Đây là lý do nhiều sàn thương mại điện tử lẫn nhà bán hàng dành nhiều nguồn lực, ý tưởng và sản phẩm mới cho giai đoạn này.
Mục tiêu chung của tất cả là khai thác tối đa "cơn khát" mua hàng giảm giá của người tiêu dùng. Thực tế gần đây, các sàn liên tục thi nhau công bố doanh số các đợt khuyến mại năm sau luôn cao hơn năm trước.
Riêng năm ngoái, số liệu theo dõi của nền tảng tiếp thị thương mại toàn cầu Criteo cho hay, doanh số bán lẻ trực tuyến của Việt Nam trong các dịp như 11/11, 12/12 và Black Friday đã tăng lần lượt 128%, 143% và 92% so với ngày thường.
Tuy nhiên, mùa sale online cuối năm nay có thể không còn bùng nổ như vậy. Điều này phần nào thể hiện qua các "ngày đôi" (double day, tức ngày và tháng trùng số với nhau) gần đây. Criteo cho biết doanh số bán hàng của thương mại điện tử Việt Nam hôm 10/10 vừa qua tăng 48% so với trung bình theo tuần của một tháng trước đó. Trong khi ngày 10/10/2021, nếu cùng khung so sánh, doanh số từng tăng đến 125%.
"Dù vẫn tăng trưởng doanh số so với ngày thường, người tiêu dùng có thể không còn mua sắm ồ ạt như trước mà chi tiêu cẩn trọng hơn", ông Mark Gubbels, Giám đốc Thương mại khu vực Đông Nam Á tại Criteo đánh giá.
Dự báo về thị trường quý IV, Lazada cho rằng thương mại điện tử vẫn là kênh mua sắm được ưa chuộng và đón sóng truy cập cao. Tuy nhiên, tâm lý cân nhắc và thận trọng đang bao trùm. "Với tâm lý lo lắng về dịch bệnh và những biến động kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm trong việc mua sắm", báo cáo cho hay.
Sẵn sàng ra sản phẩm mới, chạy tiếp thị và khuyến mãi nhưng Nguyễn Chánh Trung, Chủ thương hiệu mỹ phẩm Lagivado, cho rằng sức mua nói chung sắp tới sẽ không bằng các năm trước, dù mức giảm không quá lớn. "Thành công đến đâu sẽ phụ thuộc các sàn chịu kích cầu ra sao. Nhưng do kinh tế khó khăn, tôi cảm giác các sàn không kích mạnh như mọi năm", Trung nói.
Một số chỉ báo kinh tế mới nhất cũng phần nào lý giải về khả năng giảm nhiệt của mùa khuyến mãi trực tuyến năm nay. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10 không còn bùng nổ mạnh, chỉ tăng 17,1% so với cùng kỳ 2021, so với mức tăng hơn 36% của tháng 9.
Trong khi đó, lạm phát tăng tốc kể từ cuối quý II. Đáng chú ý là giá thuê nhà tăng mạnh (gần 17% trong hai tháng 9 và 10) là yếu tố phần nào tác động tới tiêu dùng nội địa. CPI tháng 10 tăng 0,15% so với tháng 9 và 4,3% so với cùng kỳ 2021.
Dù sức mua sắm có thể không bùng nổ, triển vọng gia tăng doanh số nhìn chung vẫn khá tốt. Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Tiếp thị Công ty cổ phần Công nghệ Haravan, cho rằng mùa cuối năm "cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp chạy nước rút".
Theo thống kê của Haravan, hiện có gần 60% đơn hàng online được đặt mua trên các sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, Tiki và các mạng xã hội thông dụng. Đây đều là những đơn vị vận hành tốt xu hướng thương mại hội thoại và livestream kết hợp KOL (người có sức ảnh hưởng dư luận), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường).
Dẫn đầu ở nhóm sàn đa ngành, Shopee và Lazada sẽ tiếp tục tung ra các "bữa tiệc âm nhạc" để người dùng vừa mua sắm vừa giải trí, cách mà họ áp dụng những năm qua. Trong khi Shopee treo giải mua hàng có thể trúng xe hơi, Lazada hứa hẹn người mua có thể hưởng đến 7 tầng giảm giá.
Nhưng cạnh tranh giữa các sàn trong năm nay dự kiến khốc liệt hơn, do sự lấn sân bán hàng của TikTok. Mới ra mắt hồi tháng 4, TikTok Shop tuyên bố chiến dịch "sale to nhất năm" vào 11/11 tới quy tụ 6.000 nhà bán lẻ và thương hiệu tập trung các ngành hàng như điện tử, thời trang, sức khỏe & làm đẹp. "Năm nay, có thêm TikTok Shop nên cạnh tranh giữa các sàn càng lớn", Nguyễn Chánh Trung nói.
Về phía nhà bán hàng, để tận dụng tối đa cơ hội, ông Sukesh Singh, Trưởng bộ phận Nhóm khách hàng lớn thuộc khu vực Đông Nam Á tại Criteo cho rằng khi đại dịch đi qua, thói quen mua sắm trực tiếp của người tiêu dùng đang quay lại. Vì vậy, nhà bán hàng và thương hiệu nên cân nhắc quảng cáo có mục tiêu, tạo trải nghiệm mua sắm liền mạch giữa online và offline.
"Các nhà bán lẻ cần cố gắng đồng bộ hóa các quảng cáo trực tuyến bổ trợ cho hoạt động mua sắm, kết hợp trực tuyến - ngoại tuyến để tận dụng dịp Ngày Độc thân một cách tối đa", ông Sukesh Singh khuyến nghị.
Trong khi đó, theo khảo sát hành vi tiêu dùng trực tuyến của người dùng khu vực Đông Nam Á của Lazada và Milieu Insight năm 2022, có 52% người Việt được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt, đặt lòng tin nơi thương hiệu Việt nhiều hơn. Vì vậy, hàng nội địa vẫn còn cơ hội bức tốc mùa này.
Về dài hạn, triển vọng thương mại điện tử Việt Nam vẫn rất lớn, dự báo đạt quy mô 32 tỷ USD vào 2025, so với con số 14 tỷ USD hiện tại. Để phát triển bền vững, ông Nguyễn Mạnh Tấn của Haravan gợi ý 4 xu hướng mà các nhãn hàng nên theo đuổi, sau khi khảo sát hơn 5.000 đơn vị đang hoạt động trên nền tảng.
Cụ thể, người tiêu dùng chuộng các hướng tiếp cận: bán lẻ đa kênh - Omnichannel (kết hợp bán hàng online với bán hàng offline), kinh doanh D2C (bán hàng trực tiếp đến khách hàng, giảm các trung gian phân phối), thương mại hội thoại và livestream trên các trang mạng xã hội kết hợp KOL, KOC.
"Các doanh nghiệp thương mại điện tử nên ứng dụng bốn mô hình kinh doanh này để tiếp cận, thu hút khách hàng tốt hơn, tăng doanh thu và cắt giảm chi phí, xây dựng uy tín cho thương hiệu", ông Tấn khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Mark Gubbels của Criteo cho rằng doanh nghiệp cần gia cố hình ảnh, chờ ngày sức mua quay lại. "Các thương hiệu cần duy trì "Top of Mind" (mức độ nhận biết thương hiệu cao). Dù sức mua lúc này không còn cao, việc giữ được vị trí hàng đầu trong tâm trí người tiêu dùng sẽ tạo được sự gắn kết. Đến khi tình hình kinh tế ổn định, khách hàng sẽ quay lại ủng hộ mình", ông nói.
nguồn : vnexpress.net