NGHỆ ANHàng trăm người dân ở huyện Yên Thành gửi tiền tiết kiệm vào tiệm vàng để nhận lãi cao, nhưng không được trả tiền lãi lẫn gốc suốt 8 năm.
Hai tuần qua, hàng chục người dân thường xuyên tập trung trước cửa hàng vàng bạc Tám Nhâm của gia đình ông Nguyễn Vĩnh Tám, 54 tuổi, trú xã Công Thành, huyện Yên Thành, yêu cầu trả lại tiền tiết kiệm.
Bà Nguyệt, 64 tuổi, trú xã Mỹ Thành, kể đầu năm 2016 gia đình gửi 160 triệu đồng vào tiệm vàng Tám Nhâm với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 9,6% một năm. Bà được trao một "sổ tiết kiệm" màu vàng, đóng dấu đỏ của doanh nghiệp, ghi nội dung là "quỹ tiết kiệm", số tiền gửi, thời gian gửi, lãi suất, kỳ hạn... Chủ cơ sở cam kết "thủ tục đơn giản, rút lúc nào cũng được".
Vài tháng đầu tiên, bà Nguyệt nhận lãi suất đầy đủ, nhưng đến cuối năm 2016 thì không còn được trả lãi, do phía tiệm vàng phản hồi "gặp sự cố, bị mất khả năng thanh khoản". Bà nhiều lần đến gặp vợ chồng ông Tám xin trả lại số tiền gốc đã gửi, song không nhận được phản hồi tích cực.
"Lúc đó thấy lãi suất của tiệm vàng cao hơn ngân hàng khoảng 3% một năm nên vợ chồng đầu tư. Hơn nữa, rất nhiều người ở trong và ngoài xã gửi tiền vào, ai cũng tin tưởng mà không lường trước rủi ro", bà Nguyệt nói. 8 năm qua, gia đình bà gặp túng thiếu, lúc bệnh tật cũng phải đi vay tiền chữa trị do khoản tích góp đã gửi tiệm vàng hết.
"Sổ tiết kiệm" doanh nghiệp Tám Nhâm trao cho người dân sau khi họ gửi tiền vào tiệm vàng hồi năm 2016. Ảnh: Đức Hùng
Cũng tin vào hứa hẹn trả lãi suất cao, ông Thành, 72 tuổi, trú xã Mỹ Thành, cho biết đã gửi gần một tỷ đồng, nhận lại hai được "sổ tiết kiệm" cùng vài tháng tiền lãi từ tiệm vàng Tám Nhâm năm 2016. Khoản này do hai con ông đi xuất khẩu lao động gửi về nhờ bố mẹ giữ để sau này về nước xây nhà.
"Tám với tôi có quan hệ họ hàng. Lúc tiệm vàng thông báo mất khả năng thanh khoản, tôi yêu cầu trả tiền gốc và được thanh toán khoảng 200 triệu đồng. Hiện còn hơn 700 triệu đồng trong hai sổ tiết kiệm không biết khi nào có thể nhận lại. Gia đình bất hòa, lục đục từ việc này", ông Thành kể.
Ông Nguyễn Vĩnh Tám, chủ tiệm vàng Tám Nhâm, giải thích trước đây làm kinh doanh đa ngành, tích góp được hàng chục tỷ đồng, mở tiệm vàng đầu năm 2016. Sau đó nhiều người dân thấy ông làm ăn uy tín nên gửi tiền lấy lãi, do lãi suất mà doanh nghiệp đưa ra cao hơn ngân hàng, chênh lệch khoảng 3% một năm.
Ông Tám xác nhận hàng trăm người ở huyện Yên Thành đã gửi hơn 33 tỷ đồng vào tiệm vàng để lấy lãi, người ít vài chục triệu đồng, người nhiều cả tỷ. Doanh nghiệp sau đó cấp cho khách hàng "sổ tiết kiệm", mục đích "để cho đẹp, tăng sự uy tín, chứ không lừa gì ai".
"Tháng 10/2016, doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản, do nhiều cá nhân và công ty vay tiền của gia đình tôi đầu tư song bị vỡ nợ hàng chục tỷ đồng. Tám năm qua vợ chồng đã bán tài sản, đất đai lấy tiền hoàn trả gần 23 tỷ đồng cho 196 người từng gửi tiết kiệm vào tiệm vàng (đạt 80%)", ông Tám nói.
Ông Nguyễn Vĩnh Tám, chủ tiệm vàng, cho biết sau sự cố đã không rời khỏi địa phương mà ở lại bán tài sản, đất đai khắc phục hậu quả, kiện đối tác đang nợ tiền mình. Ảnh: Đức Hùng
Hiện còn hơn 100 người bị tiệm vàng nợ hơn 9 tỷ đồng. Theo ông Tám, nhiều năm qua chủ nợ tạo điều kiện để gia đình làm ăn trả dần. Tuy nhiên, gần đây có dự án làm đường, gia đình được đền bù hơn 100 triệu đồng, song nhiều người tung tin là ông nhận tiền tỷ rồi đầu tư mở showroom ôtô nên tập trung đòi tiền.
"8 năm kể từ khi xảy ra sự cố, tiệm vàng vẫn hoạt động song không đạt doanh thu tốt như xưa. Hiện nay tôi có 70 con nợ, đang khởi kiện nhiều người để đòi lại tiền. Nếu người dân thông cảm và hợp tác để tôi đấu tranh đòi nợ thì khoản tiết kiệm hơn 9 tỷ đồng chưa thanh toán trả nửa năm là trả xong", ông Tám cho hay.
Lãnh đạo xã Công Thành cho biết việc nợ nần giữa ông Tám và khách hàng kéo dài nhiều năm qua, gần đây nhiều người dân tập trung đông tại tiệm vàng để đòi tiền do nghĩ gia đình chủ tiệm vàng vẫn còn nhiều tài sản đứng tên chính chủ. Xã đã cử các lực lượng giám sát, tránh gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An, Tám Nhâm không được cấp phép trong hoạt động ngân hàng, việc doanh nghiệp phát hành sổ tiết kiệm và huy động tiền gửi trong dân là không đúng quy định.
Công an huyện Yên Thành cho hay đã tiếp nhận đơn tố cáo của nhiều người dân và đang xác minh, phân loại xử lý theo thẩm quyền.
Khoản 2, điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.
nguồn : vnexpress.net