Để tránh lãng phí trong thời gian chờ đàm phán giá, nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp kiến nghị EVN huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent một kWh.
Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.
Nói tại hội nghị gặp gỡ chủ đầu tư dự án điện tái tạo chuyển tiếp chiều 20/3, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T cho hay các nhà đầu tư đã phải chờ hơn 2 năm để có cơ chế, nhưng khung giá đưa ra quá thấp, khiến họ lo ngại dự án sẽ thua lỗ.
Bà đề nghị trong thời gian chờ đàm phán giá mới, Bộ Công Thương cho phép EVN huy động ngay sản lượng với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, để tránh lãng phí.
"Cánh đồng điện gió mênh mông, mỗi turbin hơn 150 tỷ đồng, đứng im trong hơn một năm qua, thật xót xa", Phó tổng giám đốc T&T nói.
Theo bà, giá huy động tạm tính trong thời gian này có thể bằng 90% giá điện nhập khẩu (6,95 cent một kWh), tức khoảng 6,2 cent, tương đương gần 1.500 đồng một kWh (với tỷ giá 23.750 đồng một USD). Mức giá này thấp hơn giá trần của các dự án điện mặt trời nổi, điện gió đất liền theo khung giá của Bộ Công Thương (1.508 - 1.587 đồng một kWh).
"Đây là mức giá tạm tính cho các chủ đầu tư. Sau này khi có giá chính thức có thể áp dụng nguyên tắc hồi tố, tức thiếu EVN bổ sung, còn thừa chủ đầu tư trả lại", đại diện T&T nêu quan điểm.
Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T phát biểu tại hội nghị với các chủ đầu tư dự án điện tái tạo, chiều 20/3. Ảnh: Trịnh Phương
Đại diện Tập đoàn Năng lượng GULF (Thái Lan) cũng cho rằng, mức giá tạm tính "hấp dẫn hơn giá mua từ điện than khi nguyên liệu đầu vào tăng cao". Chẳng hạn trong năm 2022, có thời điểm tập đoàn phải mua từ điện than giá hơn 3.500-4.000 đồng một kWh.
Theo các chủ đầu tư, dự án điện tái tạo chuyển tiếp phần lớn không cần đầu tư thêm hạ tầng truyền tải, trong khi nếu EVN mua điện nhập khẩu thì vẫn phải đầu tư hệ thống đường truyền tải điện từ biên giới về điểm đấu nối tại Việt Nam.
"Không lý gì các dự án điện trong nước đã hoàn thành, sẵn sàng đưa điện lên lưới mà không được áp dụng giá tạm để huy động trong thời gian chờ đàm phán giá phát chính thức hoặc xem xét lại cơ chế giá", một nhà đầu tư nhìn nhận.
Theo cập nhật của EVN, đến ngày 20/3 mới có một hồ sơ của doanh nghiệp gửi về để đàm phán hợp đồng mua bán điện, giá điện. Các chủ đầu tư cho biết chần chừ, không mặn mà đàm phán giá điện, vì ngoài khung giá thấp, các quy định, quy trình thủ tục hồ sơ chưa được hướng dẫn rõ ràng.
Bà Nguyễn Thanh Bình nhận xét, quy định với các dự án chuyển tiếp của Bộ Công Thương khiến nhà đầu tư thấy "năng lượng tái tạo không còn được ưu tiên phát triển nữa". Bà dẫn chứng, Nghị quyết 55 về khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các văn bản liên quan vẫn có hiệu lực, nhưng hướng dẫn phát triển dự án điện gió, điện mặt trời và hợp đồng mua bán điện mẫu của Bộ Công Thương ban hành đầu năm nay đã bỏ ba nội dung tại nghị quyết này.
"Các nhà đầu tư mong muốn một môi trường đầu tư ổn định, có cơ chế giá phù hợp thực tế với số vốn đầu tư đã bỏ ra", bà nói.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng chưa có hướng dẫn về hợp đồng mua bán điện, phương pháp tính giá điện với các dự án chuyển tiếp. Điều này khiến cho nhà đầu tư lo ngại về dòng tiền trong tương lai để đảm bảo hoàn vốn và có lợi nhuận.
Ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo Đại Dương nói, chủ đầu tư hết sức khó khăn, chính sách thiếu hoặc chưa hoàn chỉnh. Theo ông, khi chưa có những hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp nộp hồ sơ thì liệu pháp lý đã đủ chưa, trong khi đàm phán có thể kéo dài, khó khăn.
Ông Bình đề nghị với thủ tục đang thiếu, cần tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thành và thực hiện huy động nguồn trong khi đàm phán giá.
Chia sẻ khó khăn của nhà đầu tư, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN đề nghị Bộ Công Thương sớm đưa ra hướng dẫn về phương pháp tính giá điện để đàm phán. Ông cũng đề nghị doanh nghiệp nhanh chóng nộp hồ sơ cho Công ty Mua bán điện, trường hợp thiếu có thể được bổ sung sau. Việc này nhằm đẩy nhanh việc đàm phán, giúp các dự án chuyển tiếp đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Theo đại diện Công ty Mua - bán điện (EPTC), đơn vị này đã lập 3 tổ rà soát hồ sơ, đàm phán giá điện. Để gỡ khó cho các dự án trong khi Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn cách tính giá điện, EVN đề xuất Bộ này phương án tính giá theo chiết khấu dòng tiền.
Theo đó, giá điện sẽ gồm hai thành phần, là giá cố định và giá vận hành, bảo dưỡng (tương tự các nhà máy thuỷ điện). Giá cố định xác định theo phương pháp dòng tiền tương tự phương pháp quy định tại Thông tư 57/2020 với các thông số đầu vào, như tổng mức đầu tư, thông số tài chính theo thực tế vay, giải ngân.
Nguyên tắc xác định giá này, theo EVN, đảm bảo để các chủ đầu tư trả các khoản chi phí hợp lý toàn bộ vòng đời kinh tế dự án; tỷ suất sinh lời nội tại (IRR) dự án không quá 12% và giá hợp đồng mua bán điện nằm trong khung giá Bộ Công Thương ban hành.
nguồn : vnexpress.net