42% người lao động Việt Nam thường xuyên gặp căng thẳng, nhiều công nhân cho biết cuộc sống cá nhân và gia đình là nguyên nhân chính gây stress tại nơi làm việc.
Thông tin được bà Lesley Miller, Phó đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam chia sẻ tại hội nghị chăm sóc sức khỏe tâm thần người lao động do Hiệp hội Doanh nghiệp Vương quốc Bỉ - Luxembourg tại Việt Nam phối hợp tổ chức, ngày 30/1.
Theo khảo sát của Anphabe, nhóm nhân viên có con cái ở nhà được ghi nhận mức độ căng thẳng trong công việc và cuộc sống cao hơn. Phần lớn lao động nữ có con, đang mang thai, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi đều gặp stress. trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình.
Bà Lesley cho rằng vấn đề sức khỏe tâm thần của lực lượng lao động cần quan tâm nhiều hơn, bởi việc này có tác động rất lớn đến trẻ em. Cha mẹ gặp căng thẳng ở nơi làm việc, về nhà sẽ ảnh hưởng đến con cái. Ngược lại, những vấn đề lo lắng từ gia đình, con cái cũng ảnh hưởng đến năng suất của người lao động tại nơi làm việc.
Công nhân may làm việc trong Công ty Việt Thắng Jean, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, vào sáng 10/11. Ảnh: Thanh Tùng
Ông Karl Van den Bossche, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, cho rằng khả năng phục hồi tinh thần được xác định là một trong những yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của tổ chức và hạnh phúc của nhân viên. Ước tính khoảng 15% người trưởng thành trong độ tuổi lao động mắc chứng rối loạn tâm thần. Trầm cảm và rối loạn lo âu gây thiệt hại một nghìn tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu về năng suất lao động.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần không chỉ được hiểu là các rối loạn mà còn khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người cũng như phản ứng của người khác. Một cá nhân hạnh phúc sẽ là nhân tố quan trọng giúp cả một gia đình, một doanh nghiệp nói riêng và cả xã hội, cộng đồng cùng hạnh phúc và năng suất làm việc hiệu quả.
Bà Lesley Miller, Phó đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tâm Nhung
Tại Việt Nam, mảng chăm sóc tâm lý vẫn còn thiếu trong một số cơ sở y tế. Người bệnh luôn mặc cảm khi tìm đến nhà tâm lý, do quan niệm nhà tâm lý là bác sĩ tâm thần và sợ mọi người kỳ thị, hiểu sai về mình.
Các chuyên gia cho rằng cần có những hành động hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ, nâng cao sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, có không gian để người lao động chia sẻ những vấn đề gặp phải để từ đó nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Các doanh nghiệp nên xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc thay vì một môi trường làm việc chỉ tập trung vào hiệu suất. Người lao động cần cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đôi khi càng cố sức làm việc càng dễ rơi vào căng thẳng, ảnh hưởng thể chất và tinh thần, từ đó ảnh hưởng năng suất lao động.
Theo tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, hiện nay nhiều chủ doanh nghiệp bắt đầu chú trọng đến các giải pháp nâng cao sự sự hạnh phúc của nhân viên, từ đó giúp tăng năng suất, lợi nhuận lên đáng kể. "Nhiều nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp bỏ một đồng đầu tư cho sức khỏe tâm thần thì sẽ đem lại 5 đồng lợi nhuận", ông Quân nói.
UNICEF đang thực hiện nhiều chương trình sức khỏe tâm thần dành cho cha mẹ và thanh thiếu niên tại nhà máy sản xuất. Mục tiêu xây dựng sự hiểu biết và kỹ năng của cha mẹ với trẻ, ngăn ngừa bạo lực gia đình. Những chương trình này cũng cải thiện sự tự tin của cha mẹ, kỹ năng ứng phó và hỗ trợ lẫn nhau với con cái.
"Phụ huynh dành cả ngày ở chỗ làm việc, chiều tối về gặp con với khoảng thời gian ít ỏi, là cơ hội quý báu để cởi mở, chia sẻ cùng nhau", bà Lesley chia sẻ.
nguồn : vnexpress.net