Bảy dự án điện tái tạo chuyển tiếp, tổng công suất hơn 430,2 MW, vừa hoàn thành thủ tục vận hành thương mại, phát điện lên lưới.
Theo số liệu cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến chiều 31/5, 9 dự án điện tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD) - đây là điều kiện để các dự án phát điện lên lưới.
Trong đó, 7 dự án, phần dự án với tổng công suất hơn 430,2 MW được phát điện lên lưới, tăng gấp đôi công suất vận hành so với cách đây hai ngày. Ngoài ra, 40 dự án khác được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.
Các dự án này nằm trong số 59 dự án điện tái tạo chuyển tiếp chưa có giá, gửi hồ sơ để đàm phán giá và hợp đồng mua bán điện (PPA). Chủ đầu tư của 85% dự án này đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá, tức 754-908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tùy loại nguồn điện mặt trời hay gió.
EVN và chủ đầu tư đã đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 46 dự án.
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này đã nghiệm thu công trình, một phần công trình cho 19 dự án; cấp giấy phép hoạt động điện lực (thủ tục cần thiết theo Luật Điện lực để dự án điện được khai thác) cho 27 dự án và 22 dự án khác được gia hạn chủ trương đầu tư.
Việc gỡ vướng liên quan tới hồ sơ, trình tự thủ tục đàm phán giá tạm, hợp đồng mua bán điện được Bộ Công Thương, EVN và các đơn vị liên quan đẩy nhanh để sớm đưa các dự án điện tái tạo vận hành thương mại, phát điện trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện mùa khô 2023. Ít nhất hai cuộc đối thoại với các nhà đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp được cơ quan quản lý, EVN được tổ chức để gỡ khó cho các dự án này.
Hiện tổng công suất số dự án điện tái tạo bị chậm vận hành tiến độ là hơn 4.600 MW. Trong đó, gần 2.100 MW của 34 dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán giá điện với EVN theo khung giá phát điện của Bộ Công Thương đưa ra đầu năm nay, với giá thấp hơn 20-30% so với trước đây.
Tuần trước, Bộ Công Thương giải thích chậm đàm phán, vận hành các dự án điện tái tạo chuyển tiếp do nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng. Số khác chưa hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy phép hoạt động điện lực, nên dự án chưa đáp ứng thủ tục pháp lý.
nguồn : vnexpress.net