Theo Economist, so với Mỹ, các ngân hàng châu Âu vững chắc hơn trước rủi ro sụp đổ, nhưng cái giá phải trả là khả năng sinh lời kém hơn.
"Hy Lạp không phải là Thụy Sĩ", một nhà phân tích khẳng định ngày 20/3, sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp đảm bảo với các nhà đầu tư rằng các nhà băng nước này sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của Credit Suisse.
Từ ngày 9/3, cổ phiếu ngành ngân hàng ở châu Âu bắt đầu đi xuống và vẫn đang biến động. Nguyên nhân là giới đầu tư lo lắng những rắc rối tài chính lan sang khu vực đồng euro.
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 và khủng hoảng nợ công kèm theo đó, các ngân hàng lớn của eurozone được đặt dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). ECB sau đó củng cố các quy định, loại dần cái tài sản giá trị thấp ra khỏi hệ thống. Điều này khiến các ngân hàng châu Âu trở nên kém hấp dẫn, nhưng lại vững chắc hơn.
Hiện tại, Economist cho rằng các ngân hàng châu Âu đối mặt với 3 rủi ro chính. Đó là thiếu thanh khoản, giá trị tài sản nắm giữ lao dốc và người vay không có khả năng trả nợ đúng hạn.
Trụ sở ECB ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP
Vấn đề đầu tiên là thanh khoản. Tháng 9/2022, tài sản thanh khoản của các ngân hàng châu Âu vẫn cao hơn mức mà giới chức cho rằng sẽ tránh được rủi ro bị rút tiền gửi.
Tuy nhiên, tốc độ rút tiền tại Silicon Valley Bank và Credit Suisse vừa qua cho thấy các giả định của ECB vẫn quá lạc quan. Các ngân hàng châu Âu cũng không công bố chi tiết bản chất số tiền gửi như Mỹ, khiến nhà đầu tư thêm lo lắng.
Tuy nhiên, phần lớn tiền gửi tại các ngân hàng châu Âu là của các hộ gia đình, đa phần được bảo hiểm. Phần còn lại là tiền gửi của nhiều công ty, trong nhiều lĩnh vực, chứ không phải nhóm khách hàng cùng một ngành như Silicon Valley Bank.
Châu Âu cũng thiếu các thị trường tiền tệ có độ sâu và dễ tiếp cận như Mỹ, dẫn đến rất ít lựa chọn sinh lợi thay thế. Đây là lý do hầu hết các khoản tiền gửi của doanh nghiệp bị rút ra - khoảng 300 tỷ euro (325 tỷ USD) kể từ hè 2022 - sau đó quay lại ngân hàng dưới dạng tiền gửi "có kỳ hạn". Loại tài khoản này ít linh hoạt hơn nhưng lãi suất cao hơn.
Rủi ro thứ hai là từ các tài sản đang bị giảm giá trị. Tuy nhiên, mối đe dọa này dường như cũng có thể kiểm soát. Giống như trái phiếu, giá trị của các khoản vay trên sổ sách của ngân hàng giảm xuống khi lãi suất tăng. Tuy nhiên, giới chức châu Âu đã buộc các ngân hàng dự phòng cho những rủi ro đó.
Thứ ba là khả năng trả nợ đúng hạn của người vay. Các nhà đầu tư đặc biệt lo lắng về việc gia hạn trả nợ đối với chủ sở hữu các bất động sản thương mại. Cụ thể, lãi suất tăng và triển vọng kinh tế xấu đi đang gây sức ép lên giá và tiền thuê nhà. Việc này diễn ra đúng thời điểm các chủ sở hữu tốn tiền trả nợ hơn. Nhưng khác với Mỹ, các ngân hàng châu Âu lại ít cho vay mua các bất động sản thương mại hơn.
Khi nền kinh tế trì trệ, cho vay nhiều có thể đi kèm rủi ro lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng châu Âu có bộ đệm vốn dồi dào để hấp thụ các khoản lỗ. Từ năm 2015 đến tháng 9/2022, tỷ lệ vốn cấp 1 trên tổng tài sản có rủi ro của các ngân hàng đã tăng từ 12,7% lên 14,7%. Mức này cao hơn nhiều so với ngưỡng 10,7% mà cơ quan quản lý yêu cầu.
Một số đã trích lập dự phòng cho các khoản lỗ từ cho vay thời kỳ Covid-19. Khoản dự phòng này có thể được tái sử dụng để bù đắp các khoản lỗ mới hiện tại. Ngoài ra, một phần lớn các khoản vay của doanh nghiệp còn được chính phủ bảo lãnh.
Những việc này giúp các ngân hàng châu Âu đứng vững hơn, nhưng cái giá phải trả là kiếm được quá ít tiền. Họ gặp vấn đề này từ những năm 2010, khi tài sản xấu, lãi suất thấp, tăng trưởng kinh tế yếu và các quy định bị siết chặt đã hạn chế lợi nhuận lẫn doanh thu.
Năm 2022, tình hình dường như được cải thiện nhờ lãi suất tăng. Năm ngoái, ngành này công bố lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức hai con số, lần đầu tiên sau 14 năm.
Nhưng cơ hội kiếm tiền đang dần phai nhạt. Lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh sớm và thấp hơn dự kiến, khi các ngân hàng trung ương điều chỉnh để phù hợp với sự mong manh của hệ thống ngân hàng và bối cảnh nền kinh tế chậm lại. Điều này sẽ làm giảm doanh thu của nhà băng.
Chi phí huy động vốn cũng được dự báo tăng lên. Người gửi tiền đang tìm kiếm lãi suất tốt hơn, buộc các ngân hàng đưa ra các lựa chọn hấp dẫn hơn để hút khách. Nhà đầu tư vào trái phiếu của các ngân hàng sẽ yêu cầu phí bảo hiểm cao hơn, sau khi giá trị số trái phiếu cấp 1 bổ sung (vào khoảng 17 tỷ USD) của Credit Suisse bị giới chức điều chỉnh về 0 khi bán cho UBS.
Những áp lực này đang thu hẹp biên lợi nhuận, trong bối cảnh hàng loạt chi phí khác leo thang. Tiền lương, chiếm 60% tổng chi phí, vẫn chưa hoàn toàn theo kịp lạm phát. Phí bảo hiểm tiền gửi mà các ngân hàng phải trả cũng sẽ tăng lên.
JPMorgan Chase dự báo những chi phí này có thể làm giảm 1% với lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Các cơ quan giám sát cũng có thể thắt chặt quy định để đảm bảo các tổ chức tín dụng chịu được tình trạng rút tiền ồ ạt.
Vì vậy, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng châu Âu trong tương lai có thể dưới 10%. Tuy nhiên, Ronit Ghose - Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu Citigroup - nói mức này vẫn đủ để bảng cân đối kế toán của các ngân hàng tăng trưởng 2-3% một năm.
Điều này có nghĩa khách hàng sẽ phải không lo tín dụng bị hạn chế. Các dịch vụ như ngân hàng kỹ thuật số vẫn được đầu tư. Với cổ đông, họ sẽ có nguồn cổ tức ổn định.
Ngược lại, nhược điểm là các ngân hàng ở châu Âu kém cạnh tranh hơn trong mắt những nhà đầu tư muốn kiếm lời cao. Còn các startup sẽ phải tìm đến nơi khác để vay vốn.
nguồn : vnexpress.net