Năm nay, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu là 284,5 tỷ kWh, theo kế hoạch cung cấp, vận hành hệ thống điện vừa được Bộ Công Thương phê duyệt.
Kế hoạch này cao hơn 16 tỷ kWh so với 2022 và trên 29 tỷ kWh so với 2021. Trong đó, sản xuất, nhập khẩu điện vào mùa khô là 137,1 tỷ kWh, còn mùa mưa là 147,4 tỷ kWh.
Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch sản xuất, nhập khẩu điện năm 2023 được lập trên cơ sở kịch bản tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% và điện thương phẩm (sản lượng bán ra cho các hộ tiêu dùng điện) gần 251,3 tỷ kWh (tăng gần 9 tỷ kWh so với 2022).
Công nhân Công ty Điện lực TP HCM sửa chữa trên đường dây. Ảnh: Thành Nguyễn
Hiện đã có 108 nhà máy điện tham gia chào giá trên thị trường cạnh tranh. Sản lượng mua bán điện thực tế của các nhà máy (theo hợp đồng mua bán điện, phương án giá điện) sẽ được xác định theo các quy định liên quan về giá điện và thị trường điện.
Vì thế, Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy ngoài đảm bảo công suất các tổ máy phát điện, cần chuẩn bị nguồn nhiên liệu sơ cấp (khí, dầu...) đủ cho phát điện năm nay.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được yêu cầu lập phương thức vận hành và huy động hợp lý các nguồn điện (gồm nguồn năng lượng tái tạo), để đảm bảo cung ứng đủ điện trên cơ sở nguyên tắc công bằng, tối ưu chi phí toàn hệ thống và phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật lưới điện, quy định pháp luật.
Bộ Công Thương giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có phương án cung cấp, ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện.
Tập đoàn Công nghiệp Than, khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc lập kế hoạch sản xuất, ưu tiên cung ứng đủ, liên tục than cho sản xuất điện. Năm ngoái việc cung ứng than cho điện chưa đảm bảo. Số liệu của EVN cho thấy, TKV cung ứng cho sản xuất điện là 16,8 triệu tấn, đạt gần 97% hợp đồng, và Tổng công ty Đông Bắc chỉ đạt hơn 82%, với 5,23 triệu tấn.
Đề cập tới thách thức trong vận hành hệ thống điện, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, hiện tỷ trọng tham gia thị trường điện giảm đáng kể và xu hướng ngày càng thấp, nên các cấp có thẩm quyền cần điều chỉnh các quy định tại thị trường điện phù hợp với thực tế.
Do tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo tăng cao, dẫn tới áp lực lớn tới ổn định hệ thống, giải toả công suất và chất lượng điện năng khi buổi tối không thể phát điện mặt trời hay mùa gió lặng (tháng 3-5 hàng năm). Ông đề nghị khi hạ tầng kỹ thuật cho phép, cần xem xét thiết lập và phát triển thị trường dịch vụ phụ trợ bên cạnh thị trường năng lượng để đảm bảo mục tiêu duy trì an ninh hệ thống với chi phí cạnh tranh.
Thách thức nữa là chi phí, khi biểu giá chi phí tránh được (biểu giá được tính dựa trên các chi phí tránh được của hệ thống điện khi có 1 kWh công suất phát từ nhà máy thuỷ điện nhỏ lên lưới điện) năm nay dự báo tăng 58% so với 2022, khiến khung giá trần của các nhà máy thuỷ điện tăng hơn 40%. Chi phí sản xuất điện tăng cao khiến EVN lỗ hơn 31.000 tỷ đồng trong năm ngoái.
Đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt toàn hệ thống gần 77.800 MW, tăng 1.400 MW so với 2021. Trong đó, nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 26,4%.
nguồn : vnexpress.net