Từ đầu năm, 16 thương nhân phân phối chủ động trả giấy phép, nhưng không ảnh hưởng tới cung ứng xăng dầu, theo Bộ Công Thương.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa thông tin về lý do thương nhân phân phối xăng dầu bị thu hồi giấy phép.
Thương nhân phân phối là các đơn vị mua xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối, ngoài tự tiêu thụ tại các cửa hàng bán lẻ của mình, còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc hoặc thông qua các bên nhượng quyền để bán lẻ xăng dầu.
Theo cơ quan này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đề nghị các thương nhân đầu mối, phân phối báo cáo về các điều kiện kinh doanh theo quy định. Tuy nhiên, qua rà soát, nhiều đơn vị không duy trì được các điều kiện này. Do đó, họ đã chủ động trả lại Giấy chứng nhận.
"Từ đầu năm, có 16 thương nhân đề nghị trả lại. Bộ đã thu hồi giấy chứng nhận theo đề nghị của họ", bà Hiền cho hay.
Theo bà Hiền, việc tham gia và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện cũng không là ngoại lệ.
"Năm 2023, có thời điểm số thương nhân phân phối xăng dầu lên đến hơn 330. Đến nay, số này giảm còn 298 thương nhân tham gia thị trường", bà nói.
Sau khi trả lại giấy chứng nhận làm thương nhân phân phối, theo bà Hiền, nếu tiếp tục kinh doanh xăng dầu, họ sẽ lựa chọn hình thức khác như làm đại lý bán lẻ cho các thương nhân khác. Khi đó, các cửa hàng của họ vẫn hoạt động bình thường. Còn nếu không tiếp tục kinh doanh xăng dầu, họ có thể chuyển nhượng hoặc cho thuê cơ sở vật chất.
"Như vậy, về cơ bản các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường", lãnh đạo Vụ thị trường trong nước thông tin.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương đã giao tổng nguồn tối thiểu, gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước, cho các doanh nghiệp đầu mối.
Theo nhà chức trách, từ đầu năm, cơ bản các đầu mối thực hiện nghiêm túc yêu cầu này. Cụ thể, tổng nguồn nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước thực hiện quý II khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Tiêu thụ trong quý vào khoảng 6,3 triệu m3/tấn. Tồn kho còn khoảng 1,7-1,8 triệu m3/tấn, cơ bản đảm bảo đủ nhu cầu cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết qua kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý đã nắm được tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xăng dầu. Từ đó, họ sẽ có những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp hơn.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu, gồm yêu cầu các thương nhân thực hiện nghiêm kế hoạch sản xuất đăng ký và tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024. Cùng đó, nhà điều hành sẽ chú trọng tới chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối hợp lý; hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, trình Chính phủ trong tháng 6.
nguồn : vnexpress.net