Hơn 20 nhà băng giảm thêm lãi suất tiết kiệm dịp đầu năm, trong đó nhóm quốc doanh đưa tiền gửi kỳ hạn 1 tháng về 1,7% mỗi năm.
Khảo sát của VnExpress với 34 ngân hàng trong nước cho thấy, làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm vẫn chưa dừng lại trong nửa đầu tháng 1/2024. Một số ít đơn vị điều chỉnh tăng song xu hướng giảm lãi suất là chủ đạo và diễn ra trên diện rộng.
Ngày 17/1, ba ngân hàng quốc doanh gồm VietinBank, BIDV và Agribank cùng hạ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng. Trong đó, mức lãi các khoản tiền gửi dưới 12 tháng tại VietinBank và BIDV hạ thêm 0,7% so với cuối năm ngoái. Gửi tiền kỳ hạn 1 tháng tại hai nhà băng này còn 1,7% một năm; 3 tháng là 2,2% và 3,2% một năm cho 6-9 tháng.
Agribank, nhà băng 100% vốn nhà nước, cũng hạ 0,3-0,4% với các khoản tiết kiệm gửi dưới 12 tháng, về 1,8-3,2% một năm.
Trước đó, những ngày đầu năm 2024, "ông lớn" Vietcombank đã giảm lãi suất 0,2% với kỳ hạn 3-9 tháng và 0,1% cho tiền gửi 12 tháng. Hiện, tiền gửi kỳ hạn 1-9 tháng tại nhà băng này nhận lãi 1,7-3%, còn 12 tháng là 4,7% một năm.
Không riêng nhóm quốc doanh, 20 nhà băng tư nhân khác cũng giảm lãi suất trong giai đoạn cuối 2023, đầu 2024. Techcombank, MSB, SeABank, OCB, LPBank, Oceanbank... là nhóm ngân hàng điều chỉnh lãi mạnh nhất, từ 0,5-1% cho kỳ hạn gửi ngắn.
Hiện, hầu hết ngân hàng niêm yết lãi suất 5-5,7% cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng. Khoảng 10 đơn vị niêm yết lãi suất dưới 5% cho cùng kỳ hạn, gồm nhóm quốc doanh và một số nhà băng tư nhân như MB, ACB, TPBank, MSB, OCB, Techcombank, SCB, VIB, ABBank.
Ngoài ra, lãi suất các khoản tiền gửi dài hạn, tùy từng đơn vị, hiện cũng giảm từ 0,1% đến 1,3% so với cuối năm ngoái. Với kỳ hạn dài 15-24 tháng, chỉ còn 5 ngân hàng trên thị trường như SHB, NamABank, HDBank, LPBank, PGBank sẵn sàng trả lãi suất trên 6% một năm, trong khi cuối năm ngoái có 10 nhà băng niêm yết mức này.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, năm nay ngân hàng còn ít dư địa giảm lãi huy động khi mặt bằng đã về thấp hơn giai đoạn Covid-19.
Năm 2023, lãi suất tiết kiệm giảm nhưng tiền "chảy" vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng ròng gần 1,7 triệu tỷ đồng, cao hơn khoảng 700.000 tỷ đồng so với giai đoạn trước. Đến 31/12/2023, hơn 13,5 triệu tỷ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng, tăng 14% so với năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay.
Dưới đây là mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với khách quen, VIP, gửi tiền giá trị lớn.
nguồn : vnexpress.net