Các trụ cột kinh tế lớn của Trung Quốc đều lung lay trong tháng 7, cho thấy chặng đường phục hồi của nước này có thể còn dài thêm.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ đi xuống trong tháng trước, do nhu cầu yếu và các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 31/7 cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này chỉ là 49 trong tháng 7, thấp hơn so với 50,2 hồi tháng 6. PMI dưới 50 cho thấy sản xuất thu hẹp.
Cùng với đó, doanh số bán nhà - vốn đã phục hồi trong tháng 5 và 6 - lại đi xuống trong tháng 7 do làn sóng tẩy chay thanh toán nợ vay ngân hàng đối với những dự án chậm tiến độ.
Doanh số của 100 hãng bất động sản hàng đầu nước này đã giảm 39,7% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, và giảm 28,6% so với tháng 6, xuống 77,6 tỷ USD, theo hãng cung cấp dữ liệu bất động sản China Real Estate Information.
Lĩnh vực sản xuất và bất động sản đóng góp một phần ba quy mô kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, các số liệu này cho thấy chặng đường phục hồi về tiền đại dịch vẫn còn dài. Dù các chính quyền địa phương đã bớt lúng túng trong việc kiểm soát Covid-19, Bắc Kinh tái khẳng định không thay đổi quan điểm chống dịch trong tương lai gần.
"Các cuộc khảo sát cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 7 do động lực từ việc mở cửa giảm dần", Julian Evans-Pritchard, Chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, nhận xét. Ông dự báo hoạt động của nền kinh tế này vẫn yếu trong các quý tới.
Dây chuyền lắp ráp ghế ôtô tại nhà máy Yanfeng Adient ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Các trung tâm sản xuất của Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, đã phục hồi mạnh trong tháng 6 sau đợt phong tỏa diện rộng. Tuy nhiên, đà tăng có dấu hiệu chậm lại trong bối cảnh virus tái bùng phát, nhu cầu trong nước và toàn cầu suy yếu, cũng như thị trường bất động sản ảm đạm.
GDP quý II vừa qua của Trung Quốc tăng 0,4% - yếu nhất trong hơn hai năm, cho thấy mức độ tác động của các đợt phong tỏa. Kết quả này khiến giới chức thừa nhận mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% năm nay nằm ngoài khả năng, trừ khi có một đợt kích thích lớn.
"Nền tảng của sự phục hồi kinh tế vẫn cần được củng cố", Zhao Qinghe, Chuyên gia thống kê cấp cao của NBS nhận định. Theo ông, nhu cầu thị trường không đủ và sự yếu kém của các ngành sử dụng nhiều năng lượng là những yếu tố đặc biệt đáng lo ngại.
Chỉ 10 trong 21 ngành sản xuất được NBS khảo sát cho thấy có sự tăng trưởng trong tháng 7. Chỉ số phụ về đơn hàng xuất khẩu tiếp tục giảm tháng thứ 15 liên tiếp.
Chỉ số này nhiều khả năng sẽ tiếp tục lao dốc sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối tháng trước đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm nhằm chống lạm phát. Việc Mỹ và các nền kinh tế lớn khác thắt chặt tiền tệ có nguy cơ kìm hãm nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Lĩnh vực dịch vụ nhìn chung vẫn mở rộng. PMI phi sản xuất đạt 53,8 trong tháng 7, dù đã giảm từ mức 54,7 vào tháng 6. Các lệnh hạn chế nghiêm ngặt như yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR để dùng phương tiện công cộng hoặc vào nhà hàng ở nhiều thành phố, cũng như cách ly đối với người đi từ thành phố này sang thành phố khác, tiếp tục phủ kìm hãm nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong tháng 7, Trung Quốc ghi nhận các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ. Dù vậy, việc phong tỏa phần lớn chỉ giới hạn ở các vùng kém phát triển hơn của đất nước, như tỉnh Cam Túc và Quảng Tây.
Trong khi đó, thị trường bất động sản bắt đầu suy yếu từ cuối năm ngoái. Gần đây, tình hình càng tồi tệ do làn sóng dừng thanh toán nợ vay mua nhà với các dự án chậm tiến độ.
Làn sóng tẩy chay bắt đầu từ cuối tháng 6 tại một dự án của Evergrande ở Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây. Sau đó, khách hàng của 320 dự án trên toàn quốc cũng tham gia, theo dữ liệu của GitHub tính đến hôm 29/7.
Dữ liệu hàng tuần được CRIC tổng hợp tại 30 thành phố được xác định là bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi làn sóng tẩy chay thanh toán, cho thấy doanh số bán nhà mới giảm 12% trong tuần kết thúc vào ngày 10/7 so với tuần trước đó. Sau đó, giá giảm thêm 41% trong tuần kết thúc vào ngày 17/7.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng các chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề bất động sản tại địa bàn của mình. Các địa phương thì đã nghĩ ra hàng loạt biện pháp. Hàng chục thành phố đã cho ân hạn nợ và giảm lãi suất. Một số trợ cấp hoàn toàn bằng tiền mặt. Quỹ cứu trợ cho các hãng phát triển bất động sản cũng được lập ra. Một số địa phương còn có kế hoạch thu hồi đất dự án đang gặp khó khăn.
Dù vậy, Song Hongwei, Giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu Tongce, chuyên theo dõi và phân tích thị trường bất động sản của Trung Quốc, cho biết "lĩnh vực này vẫn sẽ bất ổn nếu tình trạng sụt giảm thanh khoản của các nhà phát triển không dịu đi".
nguồn : vnexpress.net