Chính phủ khuyến khích các ngân hàng giảm chi phí, thủ tục và hạ lãi suất cho vay để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn, sớm chấm dứt "tín dụng đen".
Nội dung trên được nêu tại Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, được Chính phủ ban hành ngày 8/1.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất năm 2023 đã giảm khoảng 2% so với một năm trước đó. Cơ quan quản lý cho hay mặt bằng lãi suất đã giảm về thấp hơn mức trước 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay vẫn khó khăn. Đến hết 2023, tín dụng tăng 13,71% so với 2022 (mục tiêu là tăng 14-15%), tương đương 13,5 triệu tỷ đồng.
Vì thế, một trong những nhiệm vụ được Chính phủ nêu tại Nghị quyết 01 là yêu cầu ngành ngân hàng có các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Các ngân hàng được khuyến khích giảm chi phí, thủ tục và hạ lãi suất cho vay.
Nguồn tín dụng phù hợp, theo Chính phủ, sẽ đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hạn chế và sớm chấm dứt tình trạng tín dụng đen. Việc này cũng đảm bảo mục tiêu "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát".
Các giải pháp này sẽ được thực hiện đồng bộ trong điều hành chính sách tiền tệ, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh và kiểm soát với lĩnh vực rủi ro.
Tín dụng đen phát triển chủ yếu do doanh nghiệp, người dân khó tiếp cận các nguồn vốn chính thức. Mới đây, công an tỉnh Nghệ An phá thành công chuyên án cho vay gần 20 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay cao nhất 2.400% một năm. Trước đó, Công an TP HCM cũng xóa sổ đường dây tín dụng đen lãi suất lên đến 550% mỗi năm. Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn vụ liên quan tới tín dụng đen được ngành công an phát hiện.
Giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng ở TP HCM, tháng 11/2023. Ảnh: Thanh Tùng
2024 là năm "tăng tốc, bứt phá" để đạt mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Ngoài vốn, Chính phủ cho biết các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất tiếp tục được nghiên cứu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cơ quan điều hành tăng xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường xuất khẩu, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện, xăng dầu cho tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Giải pháp tháo gỡ vướng mắc thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, năng lượng sẽ được cấp có thẩm quyền ban hành trong năm nay.
Riêng với thị trường bất động sản, cơ quan điều hành sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, hạn chế lệch pha cung - cầu. Chính phủ đặt mục tiêu sẽ hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà theo Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Cùng đó, Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội ban hành năm nay, được kỳ vọng xử lý nhiều điểm nghẽn của thị trường này.
Chính phủ cũng quản lý nguồn thu chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên 5% để dành nguồn cho cải cách tiền lương, an sinh xã hội.
Năm ngoái, giải ngân đầu tư công ước đạt 676.000 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Kế hoạch giải ngân tương đương năm 2023 cũng được Chính phủ đặt ra năm nay để thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế. Những dự án không cần thiết sẽ bị loại bỏ, điều chuyển vốn sang nơi có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả. Hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công được yêu cầu xử lý nghiêm.
nguồn : vnexpress.net