Bộ Công Thương hôm nay tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thực hiện quy định xuất hóa đơn điện tử từng lần bán.
Thủ tướng từng yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, hiện đã quá thời hạn này hơn 2 tháng, gần 7.000 cây xăng, chiếm 45% số lượng cả nước chưa thực hiện đúng quy định, theo cập nhật đến 8/3 từ Bộ Tài chính.
Hôm nay, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu nghiêm túc thực hiện quy định trên. Cơ quan này lưu ý, trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, các thương nhân báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND, các Sở Công Thương giám sát, hỗ trợ các thương nhân triển khai. Cùng đó, các địa phương được đề nghị tăng kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp đến hết ngày 31/3 chưa lập hoá đơn điện tử từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Mốc thời hạn 31/3 này được Thủ tướng đưa ra tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ đầu tháng này. Theo yêu cầu của Thủ tướng, các doanh nghiệp không thực hiện đúng hạn lần này sẽ bị xử lý, chế tài nặng nhất là tạm dừng hoạt động, thu hồi giấy phép, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Nhân viên trạm xăng dầu trên trên đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức đang đổ xăng cho khách. Ảnh: Thanh Tùng
Để tránh đứt gãy nguồn cung, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương theo dõi cung - cầu mặt hàng xăng dầu, không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán gây thiếu hụt cục bộ trên địa bàn.
Theo Tổng cục Thuế, hiện vẫn còn nhiều địa phương có tiến độ triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu đạt dưới 30%. Các địa phương có lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu lớn, nhưng tiến độ chậm như TP HCM, Tiền Giang, Nghệ An, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Định...
Trong khi, một số địa phương khác có tỷ lệ triển khai cao hơn, trên 80% như Bắc Ninh, Đăk Lăk, Thanh Hóa, Yên Bái, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Để đẩy nhanh đồng đều, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn yêu cầu các Cục Thuế có kết quả cao cần phối hợp với nơi có kết quả chưa cao để "chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân, giải pháp phù hợp để triển khai".
Giới chuyên môn cho rằng kinh doanh xăng dầu cũng cần phải bình đẳng, minh bạch với các lĩnh vực khác đã triển khai từ tháng 7/2022 theo Luật Quản lý thuế. Trong đó, việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là một trong những yêu cầu bắt buộc.
Để quy định sớm đi vào cuộc sống, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành thuế phải có hướng dẫn đồng bộ, trong đó cần lưu tâm hoàn cảnh thực tế của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
nguồn : vnexpress.net