Hải Phòng hiện có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh nhất cả nước, trong khi TP HCM dù có nhiều cải thiện, vẫn nằm trong nhóm chậm.
Theo tính toán, trong giai đoạn 2021-2025, giải ngân vốn đầu tư công cứ tăng 1% so với năm trước, GDP năm sau đó có thể tăng thêm 0,058%. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm nay do là động lực quan trọng giúp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
So với năm ngoái, tiến độ giải ngân được đánh giá có cải thiện hơn. Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân đã đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng giao. Năm 2022, tỷ lệ này là 34,47%. Số tuyệt đối cũng cao hơn 80.777 tỷ đồng. Có 8 bộ, ngành và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 40% kế hoạch.
Hết 7 tháng, theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân của Hải Phòng đạt hơn 73%, cao nhất cả nước. Năm nay, thành phố này được giao tổng vốn trên 22.335 tỷ đồng, trong đó, Thủ tướng giao trên 13.400 tỷ đồng, còn lại là vốn địa phương triển khai thêm.
Các dự án như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Nhà ga hành khách T2; Xây dựng nhà ga hàng hoá Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi... được Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu yêu cầu "quyết tâm khởi công vào quý IV và hoàn thành trong năm sau".
Hồi tháng 5, Hải Phòng đã khởi công dự án khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu (quy mô 752 ha, tổng mức đầu tư 11.110 tỷ đồng). Dự án được thành phố đánh giá là cơ sở thu hút mạnh mẽ vốn FDI vào Hải Phòng và miền Bắc Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Chỉ tính riêng lao động, dự kiến dự án thu hút 40.000-50.000 người khi đi vào hoạt động.
Nói với VnExpress, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch thường trực TP Hải Phòng, cho biết thành phố đã tập trung tối đa nguồn lực cho các dự án quan trọng cho sự phát triển của thành phố, vùng.
Địa phương đã lập 4 tổ công tác do 4 phó chủ tịch làm tổ trưởng với các lần họp, kiểm tra thường xuyên. Các quận, huyện được giao đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng - vốn là những điểm nghẽn lớn với các dự án đầu tư công.
"Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Những hành vi cố tình gây cản trở, làm chậm tiến độ đều có chế tài nghiêm khắc", ông Quân nói và cho biết, từ nay đến cuối năm đặt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn Thủ tướng giao.
Ở nhóm bộ, ngành, Bộ Giao thông Vận tải nổi lên là điểm sáng với tỷ lệ giải ngân 41,6% số vốn hơn 94.000 tỷ đồng Thủ tướng giao (nhiều nhất trong số các bộ, ngành). Cơ quan này đang đặt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch.
Giá trị giải ngân thời gian qua của Bộ Giao thông Vận tải tập trung vào các dự án cao tốc Bắc Nam - dự án có ý nghĩa kết nối vùng miền, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đến cuối tháng 7, Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, ước giải ngân hơn 55.000 tỷ đồng, đạt 84,1% tổng kế hoạch được giao. Còn dự án thuộc giai đoạn 2021-2025 (gồm 12 dự án thành phần, chia thành 25 gói thầu) giải ngân hơn 31.442 tỷ đồng, đạt 57,4%.
Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu được gắn chặt với kết quả giải ngân - là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án được yêu cầu có kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cam kết chịu trách nhiệm về tiến độ. Vốn từ những dự án có tốc độ chậm phải kịp thời điều chuyển sang dự án có tốc độ nhanh. Nhà thầu nếu không đảm bảo năng lực, chậm tiến độ, có thể bị thay thế. Hiện các dự án như cao tốc Bắc Nam phía Đông, Cảng Long Thành, mở rộng cảng Nội Bài đang được Bộ đẩy mạnh triển khai.
Ở chiều ngược lại, nhiều địa phương, bộ ngành có tỷ lệ giải ngân thấp.
Ví dụ, đầu tàu kinh tế TP HCM giải ngân chỉ 26,6% (số liệu Bộ Tài chính đến hết tháng 7; số liệu cập nhật đến 17/8 của địa phương đạt 27%). Con số này so với năm trước đã có nhiều cải thiện. Sau khi kinh tế quý I xuống đáy, lãnh đạo thành phố đã xác định, đầu tư công phải là lĩnh vực đi đầu để vực dậy tăng trưởng. Thành ủy TP HCM đã lập 13 tổ công tác, HĐND TP HCM cũng lập đoàn giám sát, UBND TP HCM đề ra chương trình hành động với nhiều giải pháp. Tháng 4, 25 đơn vị chậm giải ngân đã bị phê bình.
Tuy nhiên, trước kết quả không như ý, trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới nhất, lãnh đạo TP HCM cho biết, một số dự án chậm giải ngân thuộc nhóm lý do chủ đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục quyết toán chậm. Thành phố đang tích cực xử lý.
Người dân tháo dỡ nhà chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho dự án Vành Đai 3 TP HCM. Ảnh: Thanh TùngVới bộ ngành, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 43 trên 51 cơ quan có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước (mức 37,85%); trong đó, 32 bộ, cơ quan có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, một số đơn vị còn có tỷ lệ rất thấp từ 0-3%. Ngay tại Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đơn vị giao quản lý nhà nước về đầu tư công, tỷ lệ chỉ đạt 12,2%; Hay Bộ Tài chính là 15,5%.
Về vướng mắc giải ngân đầu tư công chậm, phía Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, do một số bộ, cơ quan đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không thực hiện phân bổ và giải ngân năm nay. Các dự án sử dụng vốn nước ngoài chậm tiến độ do quy trình thực hiện đầu tư mua sắm thiết bị từ vốn ODA kéo dài.
Còn World Bank, trong báo cáo đầu tháng 8, vẫn lưu ý về những điểm nghẽn trước nay khiến giải ngân đầu tư công tại Việt Nam chậm. Ví dụ, hiệu suất đầu tư còn thấp do trùng lặp trong phân bổ, hạn chế do những thách thức trong thể chế quản lý đầu tư công và quan hệ tài khoá giữa các cấp chính quyền; huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân chưa được tối ưu; công tác quản lý tài sản công vẫn còn bất cập.
Trước nỗi lo chậm tiến độ giải ngân, Thủ tướng vừa yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, mục tiêu phải đạt trên 95% kế hoạch, tương đương hơn 711.000 tỷ đồng. Trong đó, ai trì trệ, yếu kém, nhũng nhiễu, sẽ bị xử lý, thay thế, theo công điện khẩn mới đây.
Các địa phương hiện cũng tập trung đẩy mạnh giải ngân trong nửa cuối 2023. Vài ngày trước, Hưng Yên đã có hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện giải ngân đầu tư công. Ông Nguyễn Lê Tiến Huy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, nói nguyên tắc lúc này là làm quyết liệt, rút ngắn thời gian thi công bù cho giai đoạn chậm trễ trong chuẩn bị dự án.
Tại TP HCM, với những vấn đề đã nhận diện được, các sở, ngành được giao chấn chỉnh, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, đặc biệt với nhóm dự án được giao vốn trong năm nay; Dự án chậm do bồi thường, giải phóng mặt bằng phải được tập trung đẩy nhanh tiến độ giao đất.
Trong dài hạn, World Bank khuyến nghị Việt Nam tập trung vào cải thiện chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Theo ước tính của IMF trước đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công của Việt Nam có thể tăng thêm 23% nếu năng hiệu suất quản lý bằng với các nước đi trước. Việc nâng cao hiệu suất chi tiêu công có thể mang lại tác động lớn về tăng trưởng tổng năng suất và quy mô GDP. Bởi với 1 điểm phần trăm đầu tư công qua cải thiện về hiệu suất, có thể nâng tốc độ tăng trưởng thêm 0,1-0,12.
nguồn : vnexpress.net