Dầu Mỹ sẽ ít khả năng hỗ trợ thêm nguồn cung quốc tế do các nhà khai thác lớn khó tăng sản lượng, bất chấp lợi nhuận cao.
Lãnh đạo các công ty và nhà phân tích cho biết, kỳ vọng về một năm thắng lớn với sản lượng dầu mỏ Mỹ đã không thành. Dù lợi nhuận cao, các công ty đang khai thác chậm lại, khiến sản lượng gần như không đổi và giảm nhẹ.
Theo Bank of Nova Scotia, giá dầu toàn cầu đạt trung bình khoảng 100 USD mỗi thùng trong quý III. Với mức giá này những năm trước, các công ty sẽ thúc đẩy khai thác. Nhưng lần này, các công ty như ConocoPhillips, Pioneer Natural Resources và Devon Energy đang tập trung vào lợi nhuận thay vì khoan thêm.
Nguyên nhân là lạm phát làm giá nguyên vật liệu như thép và vỏ máy tăng cao, cộng với tình trạng thiếu lao động khiến việc thuê các đội khoan trở thành bài toán kinh doanh kém hiệu quả. Vì vậy, nhìn chung toàn ngành đã buộc phải hạn chế sản lượng khai thác.
Trong quý III, ConocoPhillips báo cáo lợi nhuận đạt 4,5 tỷ USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ 2021. Pioneer thu về khoảng 2 tỷ USD, trong khi Exxon Mobil có lợi nhuận kỷ lục gần 20 tỷ USD. Chevron ghi nhận lợi nhuận 11,2 tỷ USD, mức hàng quý cao thứ hai trong lịch sử công ty.
Nhưng cùng với đó, nhiều công ty đồng loạt hạ dự báo sản xuất. Pioneer cho biết các giếng dầu tại lưu vực Permian ở Tây Texas và New Mexico - mỏ dầu năng động nhất của Mỹ - trong năm nay đã sản xuất ít dầu hơn dự kiến. Trong quý III, công ty sản xuất trung bình 352.421 thùng dầu mỗi ngày, giảm nhẹ so với quý II.
ConocoPhillips từng dự báo sản lượng dầu của Mỹ có thể tăng thêm 900.000 thùng mỗi ngày trong 2022. Tuy nhiên, họ cho biết tăng trưởng thực tế đã thấp hơn dự đoán này, do tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu lao động. "Chi phí leo thang nhanh chóng kết hợp với nguồn cung cực kỳ eo hẹp đang hạn chế tốc độ tăng trưởng sản xuất toàn ngành", Ryan Lance, CEO ConocoPhillips nói.
Khai thác dầu ở vùng Permian, Mỹ. Ảnh: Bloomberg
Sự bùng nổ của dầu đá phiến đã giúp Mỹ đảo ngược vị thế trên thị trường dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên, phong độ đó đang suy giảm ngay khi thị trường toàn cầu đang cần có thêm nguồn cung.
Chính quyền Biden kêu gọi các hãng dầu mỏ tăng tốc khai thác để góp phần hạ nhiệt giá xăng. Nhà trắng cũng muốn các công ty dùng lợi nhuận của mình để đầu tư vào tăng trưởng thay vì tăng chia cổ tức cho cổ đông hay mua lại cổ phiếu chính mình. Tuy nhiên, bất chấp những kỳ vọng lạc quan của giới chức, đang có những hoài nghi về khả năng tăng sản lượng dầu của Mỹ vào năm tới.
Tính đến tháng 8, sản lượng dầu của Mỹ chỉ tăng 3%, tương đương tăng 288.000 thùng mỗi ngày so với cuối năm ngoái, lên 9,77 triệu thùng mỗi ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
EIA từng dự kiến tổng sản lượng dầu của Mỹ - bao gồm Alaska và Vịnh Mexico - đạt 12,64 triệu thùng vào tháng 12, tăng hơn một triệu thùng mỗi ngày so với cùng kỳ 2021. Nhưng họ đã hạ dự báo xuống mức gần 500.000 thùng mỗi ngày.
Exxon cho biết sản lượng dầu và khí đốt của họ ở Permian Basin (thuộc Texas và New Mexico) dự kiến tăng khoảng 20% so với mức của năm ngoái, giảm so với mục tiêu ban đầu là tăng trưởng 25%. Chevron cũng cho biết sản lượng tại vùng Permian của họ sẽ thấp hơn mục tiêu trong năm, khoảng 700.000 thùng mỗi ngày, do sản xuất diễn ra với tốc độ chậm hơn.
Theo EIA, tăng trưởng dự báo có thể giảm thêm nữa, vì nhiều hãng khai thác đã tìm đến các giếng dầu bị bỏ dở trước đây. Các giếng này đã được khoan, nhưng chưa khai thác hết, gọi là DUC. Khi đại dịch khiến giá dầu xuống thấp, các hãng tìm đến các DUC tốt nhất để khai thác dầu, nhằm tiết kiệm chi phí.
Một vấn đề khác là còn bao nhiêu giếng dầu đang sản xuất ở Delaware, khu vực phía tây của Permian, nơi các công ty đã khai thác rất nhiều. Tom Loughrey, Chủ tịch công ty phân tích dầu mỏ FLOW Partners, cho rằng chất lượng các mỏ sẽ giảm dần. "Chúng ta còn khoản 10 năm khai thác mỏ chất lượng cao ở Permian và sẽ ngắn hơn nếu tăng tốc độ khai thác. Điều đó dẫn đến những công ty lớn không thể tăng trưởng sản lượng", ông nói.
Một số công ty còn gặp khó về năng suất. Pioneer thất vọng với hiệu suất của các giếng khoan tại Permian trong năm nay và đang sửa đổi chiến lược khai thác. "Năng suất không tốt như ba năm trước", CEO Pioneer Richard Dealy, cho biết. Theo ông, các công ty dầu mỏ phải tìm cách khai thác nhiều dầu hơn bằng công nghệ mới hơn theo thời gian.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho biết những ràng buộc mà các công ty tự đặt ra cũng trói chân chính họ. Ngay cả khi giá dầu Mỹ đạt mức cao nhất 120 USD vào đầu năm nay, các công ty vẫn cam kết trả lại hàng núi tiền mặt cho các cổ đông dưới hình thức cổ tức và mua lại cổ phiếu thay vì tái đầu tư vào sản xuất.
nguồn : vnexpress.net