Trong 20 ngày đầu năm, lượng vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tại TP HCM tăng gần 120%.
Báo cáo của Cục Thống kê TP HCM cho biết, từ 1/1 đến 20/1, Thành phố cấp phép thành lập mới cho 3.303 doanh nghiệp, tăng 30,2% so với cùng kỳ 2023. Tổng vốn đăng ký đạt trên 39.000 tỷ đồng, tăng 117,2%.
Tháng 1 năm ngoái, có 2.536 doanh nghiệp được cấp phép lập mới ở TP HCM, với vốn đăng ký gần 18.000 tỷ đồng, giảm lần lượt 7,1% về lượng và 38% về vốn so với cùng kỳ 2022. Tháng 1 và suốt quý I/2023 cũng là thời điểm đầu tàu kinh tế đối diện nhiều khó khăn.
Trong khi đó, tháng đầu năm nay, vốn đăng ký lập doanh nghiệp mới tăng mạnh do dòng vốn lớn của 85 doanh nghiệp bất động sản mới ra đời, với 18.358 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của TP HCM tháng này. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp bất động sản mới được cấp phép tăng 16,5% về lượng và gấp hơn 10 lần về vốn.
Nhóm ngành thương mại, dịch vụ - bao gồm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cũng chiếm áp đảo về số lượng lẫn quy mô vốn trong tháng đầu năm, với 2.692 doanh nghiệp lập mới, vốn đăng ký 33.818 tỷ đồng. Đứng thứ hai là xây dựng – công nghiệp với 605 doanh nghiệp ra đời, đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 34% về giấy phép và 19% về vốn đăng ký.
Trung tâm TP HCM nhìn từ bán đảo Thủ Thiêm tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Trong tháng đầu năm, thương mại - dịch vụ cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế địa phương. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 103.241 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,4% so với cùng kỳ. Mức tăng này chủ yếu từ hoạt động bán lẻ hàng hóa do đây là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm, nhiều siêu thị và cửa hàng thực hiện chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, theo Cục Thống kê TP HCM.
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa - chiếm gần một nửa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ - tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ. Hầu hết nhóm hàng đều có doanh thu tăng, cao nhất là lương thực, thực phẩm (8,8%); hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (16,4%); đá quý, kim loại quý (18,7%). Đây đều là các mặt hàng có nhu cầu cao vào tháng Chạp.
Ngược lại, một số lĩnh vực chưa cải thiện đáng kể. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) TP HCM tháng 1 ước tính giảm 4,5% so với tháng 12/2023. Cũng so với tháng liền trước, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm trong khi chỉ số tồn kho tăng. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào TP HCM đạt 125,7 triệu USD, bằng 70,2% cùng kỳ.
nguồn : vnexpress.net