Việc Israel oanh tạc miền nam Lebanon và Trung Quốc tung loạt chính sách kích thích kinh tế kéo giá dầu tăng trên 2%.
Chiều 24/9, dầu thô Brent tăng 2,2%, lên 75,6 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI cũng đắt thêm 2,4%, lên 72 USD. Giá dầu tăng nhờ các thông tin có lợi cả về cung và cầu.
Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - tung thêm hàng loạt chính sách kích thích kinh tế. Trong khi đó, căng thẳng tại Trung Đông và tình hình thời tiết tại Mỹ có khả năng đe dọa nguồn cung dầu.
"Giá WTI tăng ngay sau khi Trung Quốc giảm lãi suất cho vay chủ chốt. Thị trường dầu thô đã chờ đợi tin này từ lâu", Tony Sycamore - nhà phân tích thị trường tại IG nhận định.
Dù vậy, Kelvin Wong - nhà phân tích thị trường tại OANDA cho rằng đà đi lên của giá nhiên liệu có thể không bền vững trong trung hạn, do nhu cầu của Trung Quốc được dự báo vẫn yếu.
Dầu thô được chuyển giữa hai tàu dầu treo cờ Iran và Liberia, ở ngoài khơi Hy Lạp. Ảnh: Reuters
Loạt chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) được giới phân tích đánh giá là "mạnh tay nhất kể từ đại dịch", nhằm xoa dịu sức ép giảm phát và giúp nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh cần nới lỏng thêm tài khóa để làm được điều này.
Tại Trung Đông - khu vực sản xuất dầu chủ chốt của thế giới - quân đội Israel không kích hàng loạt vị trí của Hezbollah ở Lebanon. Giới chức Lebanon cho biết 492 người đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác phải sơ tán trong ngày đẫm máu nhất hàng thập kỷ ở nước này.
"Thị trường dầu lo ngại căng thẳng tại Trung Đông sẽ kéo Iran vào cuộc", ANZ nhận định. Iran hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ). Hezbollah là nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn tại Lebanon.
Giới buôn dầu cũng đang theo dõi tình hình thời tiết tại Mỹ - nước sản xuất nhiên liệu lớn nhất thế giới. Cuối tuần này, một cơn bão lớn dự kiến đi qua Vịnh Mexico. Các hãng dầu lớn đã sơ tán nhân viên và dừng một phần hoạt động khai thác tại đây.
Dầu thô là hàng hóa quan trọng của thế giới, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và nền kinh tế. Dầu tăng giá có thể kéo lạm phát lên cao, do tác động đến giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông - vận tải. Các doanh nghiệp sử dụng dầu làm nguyên liệu đầu vào có thể ghi nhận lợi nhuận giảm, do chi phí leo thang.
Biến động trên thị trường dầu còn gây tác động lan truyền đến thị trường tài chính, khi tình hình thiếu chắc chắn. Dù vậy, với các nước xuất khẩu loại nhiên liệu này, giá tăng lại giúp ngân sách của họ mạnh lên, cải thiện nguồn lực và khả năng thực hiện các dự án quan trọng.
nguồn : vnexpress.net