GDP của eurozone năm 2022 tăng trưởng 3,5%, cao hơn Mỹ và Trung Quốc, điều không diễn ra từ năm 1974.
Số liệu GDP của châu Âu vừa được Cơ quan thống kê Liên minh Châu Âu công bố. Theo Wall Street Journal, việc GDP khu vực này cao hơn Mỹ và Trung Quốc là điều bất thường. Trong nhiều thập kỷ, ba động lực chính của kinh tế toàn cầu có thứ hạng khá ổn định. Cụ thể, Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất, tiếp theo là Mỹ và sau đó là eurozone. Tuy nhiên, trật tự này đã thay đổi năm ngoái, do cách thức mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn sau đại dịch có phần khác nhau.
Các số liệu chính thức công bố tuần trước cho biết GDP Mỹ tăng trưởng 2,1% vào năm 2022, giảm mạnh so với tốc độ 5,9% được ghi nhận vào năm 2021. Trước đó, cơ quan thống kê của Trung Quốc cũng đã công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm qua tăng trưởng 3%, giảm so với mức 8,1% của 2021.
Lần cuối cùng tốc độ tăng trưởng GDP của eurozone nhanh hơn cả Trung Quốc và Mỹ là vào năm 1974. Nền kinh tế Mỹ thường vượt xa các nền kinh tế châu Âu trong những thập kỷ gần đây, chủ yếu là do dân số nước này tăng nhanh hơn. Những năm qua, Mỹ vượt châu Âu trong việc phát triển các lĩnh vực công nghệ.
Tại châu Âu, tác động phục hồi sau đại dịch đối với nền kinh tế vào năm ngoái mạnh đến mức nó bù đắp được cho xung đột Ukraine với hệ quả là giá năng lượng leo thang. Cùng với đó, thời tiết ôn hòa hơn và sự hỗ trợ của chính phủ đã giảm bớt tác động của giá năng lượng tăng cao, giúp nền kinh tế của khu vực quý IV vẫn tăng 0,1% so với quý III, theo Eurostat. Kết quả này trái với dự báo giảm 0,1% của các nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters trước đó.
Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng ING, cho biết nền kinh tế châu Âu thể hiện "khả năng phục hồi đáng kinh ngạc" khi đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Ukraine gây ra.
Chỉ vài tháng trước, các nhà kinh tế đã dự báo về một cuộc suy thoái sâu sắc và tình trạng thiếu năng lượng. Nhưng một mùa đông ít lạnh hơn so với dự đoán, giá xăng giảm và sự hỗ trợ hào phóng của chính phủ đã giúp châu Âu tránh được viễn cảnh đó. John Leiper, Giám đốc đầu tư của Titan Asset Management, cho rằng châu Âu năm qua có "một thành tích khá tốt" trong bối cảnh nhiều thách thức.
Thứ hạng tăng trưởng bất thường của năm ngoái phần lớn phản ánh tác động của đại dịch với nền kinh tế thế giới, với thời điểm phong tỏa và mở cửa trở lại ở các khu vực có sự khác biệt, dẫn đến những biến động lớn trong tăng trưởng, cũng như tỷ lệ lạm phát cao.
"2022 là một năm kỳ lạ", Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận xét tại một phiên thảo luận tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào đầu tháng này. "Đó không phải là những con số bình thường, không phải là thứ hạng thông thường", bà nói thêm.
Nhưng sự xáo trộn thứ hạng của năm qua có thể sẽ không tiếp diễn. Khi Trung Quốc mở cửa, nước này có khả năng lấy lại vị trí phát triển nhanh nhất trong ba trụ cột kinh tế lớn. Và cuộc chiến ở Ukraine đang có tác động lớn hơn với nền kinh tế châu Âu so với Mỹ hay Trung Quốc.
Ba nền kinh tế lớn đã đóng cửa nghiêm ngặt vào năm 2020. Nhưng Mỹ đã mở cửa đầy đủ hơn từ đầu năm 2021, vượt xa eurozone và Trung Quốc. Quá trình mở cửa trở lại của châu Âu bắt đầu muộn hơn và kéo dài đến nửa đầu năm 2022 khi ngành du lịch trọng điểm của khu vực này phục hồi. Trong khi Trung Quốc trải qua một loạt đợt phong tỏa chống dịch thì eurozone đã tận hưởng trọn vẹn năm đầu tiên không có các hạn chế về Covid-19.
Năm nay, đến lượt Trung Quốc mở cửa và có thể chứng kiến tác động lớn đến tăng trưởng. Và từ năm 2024, tác động của đại dịch sẽ giảm dần, trừ khi một biến thể virus corona nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn xuất hiện.
Cờ eurozone được chiếu trên mặt tiền phía nam của trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt, Đức, ngày 30/12/2021. Ảnh: Reuters
Tỷ lệ lạm phát cao, một phần là di sản của đại dịch, dự kiến cũng sẽ giảm dần vào năm 2024. Lạm phát bắt đầu tăng vào đầu năm 2021 khi Mỹ và các nền kinh tế khác mở cửa trở lại dẫn đến nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng cao vào thời điểm mà chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn yếu.
Theo thước đo áp lực chuỗi cung ứng do Fed New York tính toán, tình trạng tắc nghẽn do đại dịch gây ra đã đạt đến đỉnh điểm vào cuối năm 2021, sau đó giảm dần trong 9 tháng đầu năm ngoái.
Nhưng sự cải thiện đó đã bị đình trệ trong ba tháng cuối 2022, khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa. Các chuỗi cung ứng dường như sẽ tiếp tục hồi phục chậm chạp về mức trước đại dịch vào năm 2023, sau khi chiến lược zero Covid được từ bỏ.
Tỷ lệ lạm phát trên toàn thế giới đang có dấu hiệu giảm bớt nhờ động thái tích cực bất thường của các ngân hàng trung ương. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất hơn 4 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ năm 1980.
ECB tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn, lên 2,5 điểm phần trăm, nhưng cũng là mức tăng nhanh nhất kể từ khi nó được thành lập vào năm 1998. Cả hai ngân hàng trung ương dự kiến tăng lãi suất cơ bản trong tuần này, với ECB có khả năng thắt chặt hơn Fed.
Chi phí vay tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và hộ gia đình không chỉ ở Mỹ, châu Âu mà còn trên toàn thế giới. "Những tác động toàn cầu là có thật, nhưng chúng không được các ngân hàng trung ương lớn tính đến. Những nước đang phát triển khó vay và đầu tư hơn", Hamid Rashid, Trưởng bộ phận giám sát kinh tế toàn cầu của Liên hợp quốc nhận xét.
nguồn : vnexpress.net