Chỉ trong vài thập kỷ, tình hình tài chính ở nhiều khu vực, từ châu Á, châu Âu, Mỹ đều gặp rắc rối, thậm chí gây tác động lan truyền ra toàn cầu.
Vài tuần nay, thị trường tài chính toàn cầu hỗn loạn vì hai vụ sụp đổ ngân hàng tại Mỹ và đại gia ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse bị đối thủ UBS mua lại. Những lo ngại về sức khỏe ngành ngân hàng đang ngày càng lan rộng.
Cổ phiếu Deutsche Bank hôm 24/3 có thời điểm mất tới 15%, sau khi phí với hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của ngân hàng này tăng vọt lên đỉnh 4 năm. Việc này cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại về sự ổn định của các ngân hàng châu Âu. Bên cạnh đó, các nền kinh tế có thể sẽ chịu sức ép khi việc tăng lãi suất khiến nhiều nhà băng gặp rắc rối hơn nữa.
Trước đây, thế giới từng nhiều lần chứng kiến các vụ sụp đổ về tài chính. Reuters cho rằng dưới đây là những cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong 40 năm qua:
Vụ sụp đổ trái phiếu rác tại Mỹ
Michael Milken được coi là "Vua trái phiếu rác" tại Mỹ vì đã tạo ra thị trường cho công cụ này, một loại trái phiếu có rủi ro lớn, nhưng trả lợi suất cao. Năm 1969, Milken gia nhập Ngân hàng đầu tư Drexel Burnham Lambert.
Ông nhìn thấy tiềm năng từ lĩnh vực bị bỏ qua, cho rằng các trái phiếu rác có rủi ro vỡ nợ ở mức chấp nhận được, trong khi lại có lợi suất cao. Drexel Burnham Lambert vì thế đã bảo lãnh phát hành loại trái phiếu này, còn Milken thuyết phục các tổ chức rót tiền vào đây.
'Vua trái phiếu rác' Michael Milken. Ảnh: Bloomberg
Đến năm 1988, thị phần bảo lãnh phát hành trái phiếu rác của Drexel lên tới 50%. Drexel cũng có thời điểm là ngân hàng đầu tư lớn thứ 5 tại Mỹ.
Thị trường trái phiếu rác tăng trưởng chóng mặt suốt gần một thập kỷ, từ quy mô 10 tỷ USD năm 1979 lên gần 190 tỷ USD năm 1989. Công cụ này đã giúp nhiều công ty nhỏ tiếp cận vốn. Nó cũng được coi là cách huy động tài chính phổ biến cho các thương vụ LBO (mua lại công ty khác bằng vốn vay).
Đến cuối thập niên 80, thị trường lao dốc sau hàng loạt đợt nâng lãi của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nguồn cung bắt đầu vượt quá nhu cầu. Bên cạnh đó, Milken còn bị cáo buộc vi phạm hàng loạt quy định về chứng khoán và công bố thông tin. Ông bị phạt 200 triệu USD và phải ngồi tù 22 tháng. Drexel cũng tuyên bố phá sản năm 1990.
Khủng hoảng đồng peso Mexico
Tháng 12/1994, Mexico bất ngờ phá giá đồng peso. Việc này diễn ra sau 3 năm nước này duy trì giá peso chỉ dao động trong biên độ hẹp so với USD. Chính sách tỷ giá này chịu sức ép trong năm 1994, do thâm hụt tài khoản vãng lai của Mexico tăng, trong khi dự trữ nước ngoài lại giảm tới hai phần ba.
Việc phá giá khiến các thị trường tài chính toàn cầu ngạc nhiên. Để ngăn dòng vốn rời đất nước, Mexico còn nâng lãi suất. Lãi suất ngắn hạn từ 15% lên 32%, khiến lãi suất cho vay tăng theo, đe dọa ổn định kinh tế.
Hai ngày sau, Chính phủ Mexico phải thả nổi đồng peso. Nhưng thay vì ổn định lại, đồng tiền này tiếp tục mất giá. Giá peso giảm nửa chỉ vài tháng sau đó.
Khủng hoảng tại Mexico còn lan ra nhiều nước khác. Một số quốc gia Nam Mỹ ghi nhận nội tệ mất giá mạnh và dự trữ giảm mạnh. Nhiều nền kinh tế mới nổi ở châu Á cũng bị rút vốn.
Cuối cùng, Mexico phải nhận hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và 50 tỷ USD cứu trợ từ Mỹ. Quốc gia này trải qua nhiều năm suy thoái và lạm phát phi mã sau khủng hoảng. Tỷ lệ nghèo đói tại đây cũng duy trì ở mức cao trong suốt thập niên 90.
Khủng hoảng tài chính châu Á
Người dân đến buổi đấu giá xe lấy từ các công ty tài chính đóng cửa sau khủng hoảng tài chính châu Á. Ảnh: Bangkok Post
Khủng hoảng tài chính châu Á chính thức bắt đầu từ tháng 7/1997 với sự sụp đổ của đồng baht Thái, do dòng vốn ồ ạt rời khỏi quốc gia này. Hiệu ứng lan tỏa khiến nhà đầu tư phương Tây bất ngờ rút vốn, tiền tệ các quốc gia khác trong khu vực cũng lần lượt bị phá giá. Hàng loạt tập đoàn và công ty, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, vỡ nợ. Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Khủng hoảng tài chính nhanh chóng chuyển sang suy thoái kinh tế trầm trọng. Đồng tiền các quốc gia bị phá giá, lạm phát tăng tốc, các tổ chức tài chính và công ty phá sản, nợ xấu lên kỷ lục, tăng trưởng kinh tế suy giảm và thất nghiệp lên cao. GDP của Indonesia giảm tới 15% trong vòng một năm, Thái Lan và Malaysia cũng giảm xấp xỉ 10% trong khi Hàn Quốc giảm 3,8% trong quý đầu năm 1998.
IMF đã phải khởi động chương trình cứu trợ trị giá 36 tỷ USD cuối năm 1997 để ổn định đồng tiền của các nước bị tác động mạnh nhất bởi khủng hoảng. Đổi lại, các nước thắt chặt tiền tệ, tái cấu trúc hệ thống tài chính hoặc giảm can thiệp vào kinh tế thị trường. Đến đầu năm 1999, khu vực này mới dần hồi phục.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008
Nhân viên hãng đấu giá Christie's bê biển hiệu của Lehman Brothers trước cửa văn phòng Christie's năm 2010. Ảnh: Reuters
Tháng 9/2008, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II bắt đầu lan rộng. Khủng hoảng bắt đầu từ sự suy thoái của thị trường nhà đất Mỹ, với nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất sau này là "cho vay dưới chuẩn" (tài sản thế chấp cho các khoản vay bất động sản không đủ đảm bảo trả nợ). Sau đó, rắc rối lan sang thị trường tài chính và cuối cùng là kinh tế toàn cầu.
Cơn địa chấn thực sự nổ ra vào ngày 7/9 với việc hai đại gia cho vay thế chấp của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac bị quốc hữu hóa. Sau đó, lần lượt Lehman Brothers, Washington Mutual tuyên bố phá sản. Washington Mutual là vụ sụp đổ lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Mỹ. Merill Lynch cũng bị Bank of America mua lại. Còn AIG phải nhận hàng chục tỷ USD cứu trợ từ Chính phủ Mỹ.
Để cứu vãn nền tình thế, ngân hàng trung ương các nước đã phải cắt giảm lãi suất, bơm tiền cho các công ty hay mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, động thái đó cũng không thể ngăn Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga và nhiều quốc gia khác trên thế giới rơi vào suy thoái trong quý IV năm đó. Theo cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) - Alan Greenspan, đây là cuộc khủng hoảng "hàng trăm năm mới có một lần".
Để cứu vãn nền kinh tế, từ tháng 11/2008, Fed đã phải liên tục tung ra các gói kích thích. Lãi suất cũng được duy trì ở mức kỷ lục gần 0% suốt nhiều năm. Tình hình tại Mỹ sau đó dần ổn định.
Cuối năm 2009, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tuyên bố EU, trừ Hy Lạp và Tây Ban Nha, đã thoát khỏi suy thoái. Các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Đức, Pháp cũng dần ra khỏi thời kỳ đen tối nhất.
Khủng hoảng nợ công châu Âu
Sau khi tuyên bố thoát suy thoái từ cuối năm 2009, châu Âu lại gần như ngay lập tức sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ công. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ cơn địa chấn tài chính 2008.
Việc các quốc gia tăng cường tung kích thích bằng các biện pháp tài khóa đã khiến thâm hụt ngân sách và nợ công tăng dần. Khủng hoảng bắt đầu từ cuối năm 2009 tại Hy Lạp, sau đó lan ra toàn khu vực đồng euro. Hy Lạp là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất, do ngành công nghiệp chủ chốt của nước này là vận tải biển và du lịch rất nhạy cảm với tình hình kinh tế. Chỉ trong vài năm, lần lượt Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland và Cyprus đã phải xin cứu trợ quốc tế để tránh vỡ nợ.
Những diễn biến này đã khiến đồng euro mất giá trầm trọng. Chính sách thắt lưng buộc bụng của các nước trong khu vực, nhằm giảm thâm hụt và nợ công, cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp hay Tây Ban Nha thường xuyên trên 25%. GDP Hy Lạp thậm chí còn giảm tới 30% trong giai đoạn 2008 – 2013.
Lo ngại bởi cuộc suy thoái dài nhất kể từ khi đồng euro lưu hành và tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục, các lãnh đạo EU sau đó đã phải nới lỏng biện pháp thắt lưng buộc bụng. Cuối năm 2013, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất để tăng tốc đà hồi phục trong khu vực. Năm 2014, chỉ còn Hy Lạp và Cyprus cần hỗ trợ. Đến 2018, Hy Lạp mới chính thức rời chương trình cứu trợ.
nguồn : vnexpress.net