Nội tệ Trung Quốc đang dần thay thế USD tại Nga, giúp doanh nghiệp hai nước hưởng lợi, đồng thời giúp Moskva giảm tác động từ lệnh trừng phạt.
Doanh nhân Trung Quốc Wang Min rất vui khi Nga chấp nhận đồng nhân dân tệ. Công ty bán đèn LED của anh vì thế có thể định giá trong hợp đồng với khách hàng Nga bằng nhân dân tệ, thay vì USD hay euro. Họ cũng trả anh bằng nhân dân tệ. "Đây là mối quan hệ hai bên cùng có lợi", anh nói.
Việc kinh doanh của Wang thay đổi hoàn toàn sau cuộc chiến tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Nguyên nhân là các ngân hàng và nhiều doanh nghiệp Nga bị chặn tiếp cận với hệ thống thanh toán bằng USD và euro.
Trước đây, quan hệ kinh doanh của Wang với Nga khá nhỏ. Nhưng hiện tại, anh đang chuẩn bị đầu tư vào nhà kho ở đây.
"Chúng tôi hy vọng thị trường Nga năm tới đóng góp 10-15% tổng doanh số", Wang nói. Hiện tại, công ty của anh thu về 20 triệu USD mỗi năm, chủ yếu từ thị trường châu Phi và Nam Mỹ.
Wang cũng đang tìm cách tận dụng quá trình "nhân dân tệ hóa" đang diễn ra rất nhanh trong kinh tế Nga năm nay. Các hãng xuất khẩu Trung Quốc giảm được rủi ro ngoại hối, còn người mua Nga thanh toán cũng tiện lợi hơn.
Ngân hàng lớn nhất Nga - Sberbank - có thể phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ. Ảnh: Reuters
Dù nhân dân tệ đã dần phổ biến trong kinh tế Nga vài năm gần đây, tốc độ này được đẩy nhanh chỉ trong 9 tháng qua, theo số liệu và khảo sát của Reuters. Việc Nga chuyển hướng tài chính sang phía Đông có thể tăng thương mại xuyên biên giới, từ đó tạo ra đối trọng kinh tế với đồng USD và hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Tổng giao dịch nhân dân tệ - rouble trên sàn Moskva đã lên trung bình gần 9 tỷ nhân dân tệ (1,25 tỷ USD) mỗi ngày trong tháng trước. Trước đây, con số này hiếm khi vượt 1 tỷ với cả tuần.
"Đột nhiên, việc nắm giữ các tiền tệ truyền thống như USD, euro hay bảng trở nên đắt đỏ và rủi ro", Andrei Akopian - Giám đốc công ty đầu tư Caderus Capital cho biết, "Mọi người vì thế đổ xô dùng rouble và các tiền tệ khác, như nhân dân tệ".
Trong tháng 10, tổng khối lượng giao dịch nhân dân tệ - rouble lên 185 tỷ nhân dân tệ, gấp hơn 80 lần hồi tháng 2 - thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đóng góp của nhân dân tệ trên thị trường tiền tệ tăng từ gần 1% đầu năm lên 40-45% hiện tại, theo dữ liệu của sàn Moskva. Ngược lại, tỷ lệ giao dịch USD - rouble giảm từ hơn 80% hồi tháng 1 xuống còn 40% tháng trước.
Shen Muhui - người đứng đầu một tổ chức đại diện cho các nhà xuất khẩu nhỏ từ Phúc Kiến (Trung Quốc) sang Nga cũng lạc quan về việc kinh doanh. Ông cho biết ngày càng nhiều người mua Nga mở tài khoản bằng nhân dân tệ và giao dịch trực tiếp bằng tiền tệ Trung Quốc. Ông nói rằng đây là một lợi thế lớn.
"Xung đột Nga - Ukraine đã đem đến cơ hội cho các thương nhân Trung Quốc", Shen nói.
Không chỉ các công ty Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp lớn tại Nga cũng gia nhập làn sóng này. Tính toán của Reuters cho thấy 7 gã khổng lồ của Nga, gồm cả Rusal, Rosneft và Polyus, đã huy động tổng cộng 42 tỷ nhân dân tệ bằng trái phiếu trên thị trường Nga. Danh sách này có thể dài thêm khi đại gia ngân hàng Sberbank và hãng dầu Gazpromneft thông báo có thể vay nợ bằng đồng tiền này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã tìm cách độc lập khỏi USD. Tuy nhiên, biến động chính trị năm nay đã đẩy nhanh quá trình này. Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhì thế giới - là cường quốc lớn nhất không tham gia trừng phạt Nga sau xung đột tại Ukraine. Quan hệ kinh tế hai nước trong năm nay cũng ngày càng khăng khít.
Năm ngoái, nhân dân tệ đóng góp 19% các giao dịch thương mại của Nga với Trung Quốc. Tỷ lệ này của USD là 49%, Andrey Melnikov - Phó giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế tại Ngân hàng Trung ương Nga hồi tháng 9 cho biết.
Dù con số cho năm 2022 chưa được công bố, nhân dân tệ đang ngày càng phổ biến tại đây. Trong một hội thảo, Melnikov cho biết nhu cầu nhân dân tệ đang tăng mạnh do Nga bị giảm tiếp cận các phương pháp thanh toán truyền thống và bị đóng băng tài sản ở nước ngoài.
Dù vậy, giới chức Nga cũng đang theo dõi sát các rủi ro tiềm tàng, như sự mất cân đối giữa việc số tài khoản thanh toán và tiền gửi bằng nhân dân tệ tăng, trong khi hoạt động cho vay bằng đồng tiền này chỉ mới phát triển. Elizaveta Danilova - Giám đốc ổn định tài chính tại Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ chưa có kế hoạch hạn chế sử dụng nhân dân tệ và có thể khuyến khích các ngân hàng nới lỏng quy định với tiền tệ này, đồng thời thắt chặt với USD và euro.
Lượng nhân dân tệ chảy vào Nga đang khiến lãi suất tiền gửi bằng đồng tiền này ở Nga đi xuống. Lãi suất một năm chỉ dao động từ 0,01% đến 2,45%, còn thấp hơn mức 1,6% tại Trung Quốc.
"Anh có thể mở tài khoản nhân dân tệ tại hầu hết ngân hàng ở Nga. Lãi suất đang rất thấp, vì nhà đầu tư dư thừa đồng tiền này", Akopian nói, "Đó là lý do ngay khi các sản phẩm bằng nhân dân tệ tràn vào thị trường, nó lập tức được ưa chuộng. Nhu cầu hiện rất lớn".
nguồn : vnexpress.net