Vỡ nợ sẽ tàn phá thị trường tài chính Mỹ nhưng trần nợ công được nâng lên kịp thì cũng không gì đảm bảo mọi thứ sẽ ổn, theo Politico.
Tuần này, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục nhắc lại rằng chính phủ có thể không thể thanh toán được các khoản nợ đến hạn sau ngày 1/6 nếu quốc hội không chấp thuận tăng trần nợ công.
Tháng trước, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật cho phép tăng trần nợ công với điều kiện chính phủ phải cắt giảm sâu chi tiêu. Tuy nhiên, Nhà Trắng không chấp nhận các điều khoản. Các quan chức của ông Biden lập luận rằng dự luật này sẽ gây căng thẳng cho nền kinh tế và đánh mất việc làm.
Nhưng theo giới quan sát, giờ Nhà Trắng có thể đồng ý hạn chế vài chi tiêu để đổi lấy sự nhượng bộ từ đảng Cộng hòa khi "X-date" - thời gian Bộ Tài chính hết tiền đến gần. Ngoài ra, thị trường tài chính đang đối mặt với bất ổn đáng kể bởi lãi vay tăng và sự bất mãn ngày càng tăng với nền kinh tế cũng là nguyên nhân.
Mike Reynolds, Phó chủ tịch chiến lược đầu tư tại Glenmede, đồng tình với khả năng Nhà Trắng chấp nhận cắt giảm chi tiêu để đạt thỏa thuận. Nhưng hệ quả là có thể xuất hiện "một số biến động" trên thị trường chứng khoán.
Jenny Johnson, Chủ tịch kiêm CEO quỹ tương hỗ Franklin Templeton, nói bà không rõ thị trường tài chính sẽ phản ứng chính xác ra sao. Tuy nhiên, bà thừa nhận đang chán nản với hàng loạt sự kiện bất lợi trong nhiều tháng qua.
"Thật đáng xấu hổ với tư cách là một quốc gia mà chúng ta phải đến nông nỗi này", bà bình luận. Dù tin rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công kịp thời và Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sự thống trị trên thị trường tài chính nhưng bà nói các cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại đang "làm sứt mẻ" niềm tin của nhà đầu tư.
Mặt tiền Sở chứng khoán New York. Ảnh: AP
Trong lịch sử, chứng khoán Mỹ từng đỏ lửa vào lần cuối Mỹ bên bờ vực vỡ nợ. Năm 2011, khi chỉ còn chưa đầy một tuần đến X-date, các chỉ số chính giảm 20%. Lần này, Moody's Analytics ước tính giá cổ phiếu có thể giảm khoảng 20%.
Bối cảnh kinh tế hiện tại là một tiền đề khó khăn để ông Biden và đảng Cộng hòa đàm phán. Nó cũng đồng thời tạo nguy cơ làm xói mòn niềm tin của công chúng vào khả năng quản lý nền kinh tế của Nhà Trắng.
Sau làn sóng phá sản của một số ngân hàng khu vực, cộng đồng và các tổ chức tài chính cỡ trung bình đang bắt đầu rút lui khỏi thị trường tín dụng. Niềm tin người tiêu dùng đang suy giảm. Và ngay cả khi người Mỹ vẫn tiếp tục mua sắm các nhà bán lẻ lớn và dữ liệu thẻ ngân hàng nhận thấy xu hướng thắt lưng buộc bụng.
Trong khi đó, lạm phát dai dẳng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu rằng họ khó có thể cắt giảm lãi suất cho đến khi tự tin rằng đà tăng giá đột biến đã được kiểm soát. Khả năng nền kinh tế đi xuống cũng sẽ ảnh hưởng đến cách thị trường tài chính đón nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà Biden và McCarthy đưa ra.
Mặc dù dự luật trần nợ công của đảng Cộng hòa hứa hẹn các cải cách về cấp phép lĩnh vực năng lượng và những thay đổi khác mang tính cổ vũ thị trường, nhưng nó cũng bao gồm các khoản cắt giảm chi tiêu lớn có thể khiến các nhà giao dịch tài chính hoảng sợ nếu nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Đó là những gì đã xảy ra vào năm 2011, sau khi Tổng thống Barack Obama và các đảng viên Cộng hòa công bố một thỏa thuận chỉ hai ngày trước X-date. "Điều đó gần như là một nghịch lý, nhưng S&P 500 đã giảm sau khi trần nợ công mới được thông qua vào năm 2011", Reynolds nói.
Hai ngày sau khi ông Obama ký dự luật trần nợ công mới khi ấy, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính. Bởi lẽ, các nhà đầu tư lo rằng việc cắt giảm chi tiêu để đổi lấy thỏa thuận sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế vẫn đang mắc kẹt trong vũng bùn.
Vào 5/8/2011, S&P đã công bố một quyết định lịch sử là hạ bậc tín nhiệm trái phiếu chính phủ Mỹ, càng đẩy thị trường chứng khoán đi xuống. Các chỉ số chính của thị trường đã không phục hồi cho đến năm sau đó, tức 2012.
Như vậy, ngay cả khi quốc hội và Nhà Trắng đạt được thống nhất mức trần nợ công mới trước 1/6 thì vẫn có khả năng trái phiếu chính phủ Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm. Richard Bernstein, CEO Richard Bernstein Advisors, Cựu chiến lược gia trưởng đầu tư tại Merrill Lynch, tin rằng khả năng bị hạ cấp là 50%.
"Chúng ta chỉ còn hai tuần nữa là đến X-date. Chúng ta phải tăng trần nợ ngay bây giờ và tránh thảm họa kinh tế", hạ nghị sĩ Brendan Boyle, đảng viên Dân chủ cấp cao nhất trong Ủy ban Ngân sách Hạ viện, nói.
Nhưng vẫn có những niềm tin vào khả năng vượt cơn bão trần nợ công lần này. Wall Street Journal nhận định nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi tốt hơn nhiều so với sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 2011. Các hộ gia đình và doanh nghiệp rủng rỉnh tiền mặt thời điểm Fed bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái, điều này giúp họ có một bước đệm vững chắc để chống chọi với thua lỗ khi lãi suất cao hơn.
Dù đảng Cộng hòa thuyết phục được Nhà Trắng cắt giảm chi tiêu, họ cũng có thể đổi quan điểm nếu một cuộc suy thoái càn quét đến những địa phương mà họ kiểm soát, theo Joe Brusuelas, Kinh tế trưởng RSM US.
Ngay cả khi các giới hạn chi tiêu mới là ràng buộc, cách đàm phán hiện tại giữa Nhà Trắng và quốc hội cho thấy bất kỳ giới hạn nào được đưa ra cũng sẽ không bị trói buộc trước nhu cầu phát sinh khi suy thoái, theo Joe.
nguồn : vnexpress.net