Sau hai năm gián đoạn, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức trở lại tại Davos trong bối cảnh nhiều giá trị họ xây dựng đang rạn nứt.
Trong nửa thế kỷ qua, Klaus Schwab, Nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đã ca ngợi một thế giới liên kết, nơi mà sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, con người và ý tưởng sẽ dẫn đến sự thịnh vượng và hòa bình chung. Tuy nhiên, hai năm qua, những biến động của thế giới đã thách thức khát vọng đó.
Đại dịch đã thúc đẩy một làn sóng dịch chuyển chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa biệt lập, khiến các chuỗi cung ứng trở nên mong manh và tách dần Trung Quốc khỏi phần còn lại của thế giới. Sau đó, khủng hoảng Ukraine làm dấy lên lo ngại về xung đột toàn cầu rộng lớn hơn.
Và ngay cả trước đại dịch và chiến tranh, chia rẽ nội bộ đã làm căng thẳng các siêu cường như Mỹ. Bây giờ, khi Schwab chủ trì cuộc họp đầu tiên của WEF ở Davos (Thụy Sĩ) kể từ khi đại dịch bắt đầu, ông phải đối mặt với một thế giới trông rất khác thứ mà ông đã cố gắng tạo ra trong hơn 50 năm.
"Tôi nghĩ đây sẽ là Diễn đàn Kinh tế Thế giới đầu tiên mà bản thân Klaus không tin rằng đó là một thế giới do phương Tây lãnh đạo và các quốc gia còn lại một lòng đi theo", Ian Bremmer, Nhà khoa học chính trị đã thường xuyên tham dự sự kiện này, nhận định.
Bản thân ông Schwab dường như hiểu rằng trật tự toàn cầu như ông từng hình dung đã ít nhiều thay đổi. "Chúng ta đang sống trong một thế giới khác. Khi gặp nhau năm 2020, chúng ta đã có rất nhiều mối quan tâm lớn. Bây giờ chúng ta có thêm hai sự kiện thực sự tăng thêm độ nghiêm trọng của tình hình", ông nói.
Nhưng trong khi thế giới có thể đã thay đổi, Davos lại không. Như thường lệ, cuộc họp thường niên sẽ có sự góp mặt của các chính trị gia, quan chức, giám đốc điều hành và các nhà lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận. Các vấn đề hiện thời như chiến sự và Covid sẽ được thảo luận, cùng với các mối đe dọa lâu năm như biến đổi khí hậu và an ninh mạng. Và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sẽ phát biểu trực tuyến trước các nguyên thủ quốc gia khác.
Người biểu tình phản đối toàn cầu hóa tại WEF lần trước diễn ra vào tháng 1/2020 ở Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: AP
Điểm nóng Ukraine
Không có gì thách thức thế giới quan ở Davos trực tiếp hơn việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo New York Times.
Moskva đã là đối thủ chiến lược của Mỹ và châu Âu trong nhiều năm, nhưng mối quan hệ kinh tế giữa họ ngày càng sâu sắc. Hàng trăm tập đoàn đa quốc gia đã đến hoạt động ở Nga, và châu Âu nổi lên như một nhà nhập khẩu dầu lớn của họ.
Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy các nhà lãnh đạo phương Tây về cơ bản đã đánh giá sai về nhà lãnh đạo Nga. "Tôi hoàn toàn không thể có được một cách giải thích hợp lý", Schwab nói. Bản thân ông đã gặp ông Putin vào cuối năm 2019 trong một nỗ lực thuyết phục Tổng thống Nga đến Davos để làm sâu sắc hơn quan hệ với phương Tây. Và ông đã thất bại.
Lesser, Chủ tịch toàn cầu của Boston Consulting Group, cho biết một trong những ý tưởng lớn của WEF là chia sẻ sự thịnh vượng kinh tế sẽ giúp thế giới xích lại gần nhau hơn. "Tôi nghĩ điều đó giờ khó khăn hơn nhiều. Đáng buồn thay, chúng tôi đã từng hy vọng", ông nói.
Thật vậy, bản thân cuộc chiến - cũng như việc các nước lớn khác, chẳng hạn Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, không muốn đứng về phía Ukraine - cho thấy rõ rằng thế giới chưa bao giờ gắn kết như một số người muốn tin. Theo Bremmer, các quốc gia này về cơ bản không liên kết với nhau vì khác biệt hệ thống chính trị, kinh tế lẫn mức độ giàu có.
Trước đây, WEF đã đóng vai trò kiến tạo hòa bình. Năm 1988, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký "Tuyên bố Davos", đánh dấu một kỷ nguyên mới của mối quan hệ được cải thiện giữa các đối thủ lâu năm. Tuy nhiên, năm nay sẽ không có cuộc đàm phán nào giữa Ukraine và Nga tại Davos. Sẽ không có bất kỳ người Nga nào tham dự.
Ông Schwab đã cấm không chỉ các quan chức chính phủ Nga mà tất cả công dân Nga tham dự. Bản thân quyết định đó có thể làm giảm uy tín của Davos như một nơi mà mọi tiếng nói đều có thể được lắng nghe. "Đây là nơi mọi người đều được mời, phải không? Và bây giờ, nó đột nhiên không phải vậy nữa", Bremmer nói.
Cấp thiết phải hợp tác
Ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine đang chứng tỏ những hạn chế của thế giới quan ở Davos, nhiều người vẫn tin tưởng vào giá trị của một nền kinh tế liên kết. "Về cơ bản, tôi tin rằng toàn cầu hóa - với con người và ý tưởng, hàng hóa và dịch vụ di chuyển ngày càng nhanh hơn qua các biên giới - là điều giúp bạn trở thành tầng lớp trung lưu toàn cầu trong 50 năm qua. Đó là câu chuyện hay nhất hiện có", Bremmer nói.
Trên toàn cầu, các số liệu thống kê cho thấy số người sống trong cảnh nghèo cùng cực đã giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây, trong khi khả năng tiếp cận với điện, nước sạch và thực phẩm bổ dưỡng vẫn tăng đều đặn. "Toàn cầu hóa đã giúp hàng triệu triệu người thoát khỏi đói nghèo", Schwab nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận những giới hạn của nó. Có những vấn đề mang tính hệ thống, ngay cả ở những nước giàu có nhất. "Rõ ràng là có rất nhiều vấn đề ở các nền kinh tế phương Tây, từ việc không đầu tư vào giáo dục, chi phí chăm sóc sức khỏe, đến việc thiếu cơ sở hạ tầng", Dambisa Moyo, Một nhà kinh tế người Zambia đánh giá.
Schwab cho rằng nhu cầu hợp tác đa quốc gia ngày càng cấp thiết hơn. "Hợp tác liên quan đến việc giải quyết các thách thức toàn cầu của chúng ta là hoàn toàn cần thiết, bởi vì chúng ta phụ thuộc lẫn nhau", ông nói.
Điều này đặc biệt đúng khi đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu. Mặc dù hầu hết quốc gia trên thế giới đã cam kết giảm nhanh lượng khí thải, chỉ một số ít dường như đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu. Nghĩa là nhiệt độ toàn cầu rất có thể sẽ vẫn tăng.
Và khi những tác động của cuộc chiến ở Ukraine bộc lộ ra bên ngoài, các chuyên gia đang cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn có thể kéo dài từ châu Phi đến Nam Mỹ, và gây ra nhiều bất ổn xã hội và di cư hàng loạt. "Những người đói đang tức giận", Schwab nói.
Thế giới đang phân mảnh
Trong một thế giới như đang tách rời nhau, Davos là một trong số ít những nơi tập hợp các nhân vật quyền lực từ nhiều lĩnh vực và khu vực địa lý. "Đó thực sự là nơi duy nhất để chính sách công, doanh nghiệp và xã hội dân sự xích lại gần nhau", bà Moyo nói.
Nhiều giám đốc điều hành sẽ chốt các thương vụ của họ trong các phòng họp ở khách sạn tại Davos. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc làm thế nào để ngăn chặn chiến sự leo thang, cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập, hay những biến động của các trung tâm quyền lực thế giới những năm tới.
Bremmer nói rằng, với nhiều người thì chỉ cần 5 ngày là kiếm được nhiều tiền nhất có thể, khi họ gặp đối tác trong 30 phút. "Nhưng với những người đang thực sự nghĩ về vai trò của Davos trên thế giới, điều sẽ được nói đến là 'Chiến tranh Lạnh mới', sự tách rời của Nga khỏi phương Tây và sự liên kết đáng kinh ngạc của Mỹ và châu Âu", ông nói.
Schwab thì không gọi là "Chiến tranh Lạnh mới", nhưng ông cho biết chúng ta đang đối mặt với viễn cảnh "thế giới bị phân mảnh". "Chúng ta có nguy cơ chia tách thành một hệ thống đa quyền lực với những triết lý, hệ tư tưởng khác nhau. Ngay cả bên trong các quốc gia, chúng ta cũng có sự phân cực mà bạn chưa từng trải qua 10, 15 năm trước", ông nhận định.
Có nguy cơ với việc bị Nga cấm vận, Trung Quốc bị cô lập và viễn cảnh bất ổn toàn cầu hơn ở phía trước, WEF trên thực tế không còn là một diễn đàn cho toàn thế giới.
"Đó không phải là điều Klaus muốn. Và thành thật mà nói, đó không phải là điều mà bất kỳ ai trong chúng ta muốn", Bremmer nói.
nguồn : vnexpress.net