Goldman Sachs cho rằng kinh tế thế giới năm sau sẽ vượt kỳ vọng của nhiều người, sản xuất sẽ hồi phục và tác động từ nâng lãi cũng dịu bớt.
Trong báo cáo công bố cuối tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,6% năm tới, cao hơn ước tính 2,1% của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Bloomberg. Mỹ cũng được kỳ vọng tăng vượt các nước phát triển khác, với tốc độ 2,1%.
Goldman cũng tin rằng phần lớn tác động từ quá trình thắt chặt tài khóa và tiền tệ sẽ không còn. Để kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022. Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết "không tự tin" Fed đã thắt chặt đủ để kiểm soát được lạm phát. Ông ra tín hiệu vẫn sẽ nâng lãi nếu cần thiết.
Goldman cho rằng các nước phát triển khó có thể giảm lãi trong nửa đầu năm sau, trừ phi tăng trưởng kinh tế yếu hơn dự kiến. Họ dự báo lạm phát tiếp tục hạ nhiệt với các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi, về quanh 2-2,5%.
Người dân đi lại trên đường phố Cologne (Đức). Ảnh: Reuters
Ngân hàng này cũng kỳ vọng hoạt động tại các nhà máy toàn cầu hồi phục sau khi chịu hàng loạt thách thức năm nay. Hiện tại, sản xuất toàn cầu chịu sức ép khi kinh tế Trung Quốc hồi phục yếu hơn dự kiến và châu Âu khủng hoảng năng lượng.
Chỉ số theo dõi sản xuất toàn cầu của S&P Global hiện là 49 điểm. Mốc dưới 50 cho thấy hoạt động đang co lại. Tại Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do Caixin/S&P Global công bố cũng xuống 49,5 trong tháng 10 - lần đầu tiên dưới 50 kể từ tháng 7.
Thu nhập thực tăng lên cũng giúp Goldman thêm lạc quan với triển vọng kinh tế thế giới năm sau. "Các nhà kinh tế học của chúng tôi có nhận định tích cực về thu nhập khả dụng, trong bối cảnh lạm phát chậm lại đáng kể và thị trường việc làm vẫn vững mạnh", báo cáo viết.
Họ cho rằng tăng trưởng thu nhập thực tế ở Mỹ có thể chậm hơn so với tốc độ 4% năm 2023, nhưng vẫn sẽ hỗ trợ tiêu dùng và giúp GDP Mỹ tăng ít nhất 2%. "Chúng tôi tiếp tục đánh giá rủi ro suy thoái tại Mỹ là thấp, chỉ khoảng 15%", báo cáo viết, một phần do thu nhập thực vẫn tăng. Hồi tháng 9. Ngân hàng này hạ rủi ro suy thoái của Mỹ từ 20% về 15%, do lạm phát hạ nhiệt và thị trường việc làm sôi động.
Và dù nhiều quốc gia vẫn đang duy trì chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ, Goldman vẫn tự tin rằng thời điểm tồi tệ nhất "đã qua". Nhiều nền kinh tế sẽ tránh được suy thoái.
"Cả khu vực đồng euro và Anh đều sẽ chứng kiến tăng trưởng thu nhập đáng kể, quanh 2% năm tới, do cú sốc khí đốt sau xung đột Nga - Ukraine dần dịu bớt", các nhà kinh tế học kết luận.
nguồn : vnexpress.net