Đánh giá thiếu điện có khả năng xảy ra theo chu kỳ, EuroCham kiến nghị Chính phủ tập trung vào các kế hoạch dài hạn.
Thiếu điện là một trong những vấn đề quan ngại được Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu trong báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp hội viên cho thấy, tình trạng thiếu điện vừa qua đã ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp. Dù tình hình đã ổn định hơn nhờ các cơn mưa lớn, khoảng 60% số doanh nghiệp nói thiếu điện tạo ra một số thách thức với họ; khoảng 10% bị tác động nghiêm trọng.
Theo EuroCham, giải quyết vấn đề ổn định nguồn cung cấp điện là ưu tiên hàng đầu để duy trì hiệu quả kinh doanh và khả năng phục hồi kinh tế tổng thể.
"Chính phủ nên tập trung vào việc phát triển các kế hoạch dài hạn vì việc này có khả năng xảy ra theo chu kỳ", ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham nói.
Thực tế, từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Nguyên nhân là lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thuỷ điện, một trong hai nguồn cung chính bị sụt giảm huy động do hạn hán. Trước tình trạng này, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp có nhà máy tại khu công nghiệp của Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang cho biết đã bị cắt điện nhiều giờ, liên tục trong tuần.
Lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cũng nhìn nhận rằng sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam tương đối chậm so với các nước tương tự trong khu vực.
Khảo sát cho biết 53% doanh nghiệp đánh giá cơ sở hạ tầng hiện tại không tương xứng hoặc tụt hậu. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, điểm sáng là Chính phủ Việt Nam đang tích cực thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề này, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh các dự án hạ tầng trọng điểm.
Một số vấn đề đáng lo ngại khác được chỉ ra như thủ tục hành chính rườm rà, quy định không rõ ràng; khó khăn trong xin thị thực, giấy phép lao động; việc đánh thuế tối thiểu toàn cầu thời gian tới.
Bên cạnh những trở ngại, kết quả khảo sát cho thấy, sự lạc quan của doanh nghiệp đã tăng nhẹ. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán kinh tế ổn định hoặc cải thiện tăng 2%, nâng tổng số doanh nghiệp dự đoán điều này lên gần một phần ba. Số lượng các lãnh đạo công ty đánh giá triển vọng kinh doanh trong quý III đã tăng 9% so với đánh giá dành cho quý II.
Việt Nam tiếp tục được cho là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài với 48% người được khảo sát kỳ vọng FDI của công ty họ vào Việt Nam sẽ tăng trong quý tới. Hiện hơn một nửa các doanh nghiệp trong khối này được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tuy nhiên, trước những biến động khó khăn toàn cầu, nhìn chung trong quý II, Chỉ số niềm tin của doanh nghiệp châu Âu với Việt Nam giảm nhẹ 4,5 điểm, đạt mức 43,5.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nói, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, và đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn thế giới. Do đó, sự sụt giảm về xuất khẩu và các đơn hàng đã tác động lớn đến các doanh nghiệp châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. "Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) cho thấy rõ viễn cảnh ảm đạm hiện nay", ông đánh giá.
Theo ông, để giải quyết những thách thức này, chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp thiết thực, đặc biệt là bằng cách đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Những nỗ lực này được kỳ vọng và tin rằng điều đó sẽ mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho nền kinh tế trong dài hạn.
Nói thêm, ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành Decision Lab - đơn vị thực hiện khảo sát, cho biết lĩnh vực dịch vụ cho thấy khả năng phục hồi, trong khi lĩnh vực sản xuất vẫn tồn tại nhiều thách thức. Điều quan trọng là phải giải quyết những hạn chế về quy định và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thu hút đầu tư nước ngoài.
"Các doanh nghiệp đang bày tỏ việc giảm bớt khó khăn hành chính, nâng cao trình độ của lực lượng lao động sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng. Một lực lượng lao động chất lượng cũng rất quan trọng để các doanh nghiệp duy trì sự tự tin vào chính doanh nghiệp của họ và nền kinh tế", ông nói.
nguồn : vnexpress.net