Nhằm đáp trả các chính sách trừng phạt của phương Tây, Nga và Iran hiện chỉ sử dụng đồng ruble, rial trong ngoại thương.
Tại Diễn đàn Hệ thống Thanh toán và Ngân hàng Hiện đại lần thứ 11 ở Tehran (Iran) ngày 25/11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) Mohammad-Reza Farzin cho biết Nga và Iran đã từ bỏ việc sử dụng đôla Mỹ trong thương mại song phương. Họ hiện chuyển hoàn toàn sang dùng nội tệ.
Ông cho biết động thái này là một phần kế hoạch đáp trả "các chính sách trừng phạt vô lý". "Chúng tôi đã tham gia thỏa thuận tiền tệ với Nga và từ bỏ đồng đôla Mỹ. Hiện tại, hai bên chỉ giao dịch bằng ruble và rial", Far News trích phát biểu của ông Farzin. Ông cũng tiết lộ quan chức tài chính hai nước đã thống nhất về tỷ giá được sử dụng trong ngoại thương.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị BRICS tháng 10/2024. Ảnh: Reuters
Cả Iran và Nga đều đang chịu nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ. Hai nước lần đầu công bố ý định loại bỏ USD trong thương mại vào tháng 7/2022. Đến tháng 12/2023, họ hoàn tất thỏa thuận sử dụng nội tệ. Theo đó, doanh nghiệp và ngân hàng hai nước sẽ sử dụng những nền tảng thanh toán thay thế cho các nền tảng dùng USD.
Tháng trước, Farzin thông báo Moskva và Tehran chính thức kết nối hệ thống thanh toán giữa hai quốc gia. Việc này sẽ giúp người dân hai nước sử dụng được thẻ ghi nợ nội địa ở cả Nga lẫn Iran. Tehran cũng đã bắt đầu dùng hệ thống thanh toán Mir của Nga trong giao dịch với các nước khác.
Vài năm qua, Moskva và Tehran thắt chặt quan hệ cả về thương mại lẫn tài chính. Tháng trước, Điện Kremlin thông báo kim ngạch thương mại song phương 8 tháng đầu năm tăng 12,4% so với năm ngoái. Năm 2023, kim ngạch đạt hơn 4 tỷ USD.
Ngoài Nga, Iran cũng đang tăng cường thương mại với các nước thuộc nhóm nền kinh tế mới nổi BRICS. Hồi tháng 1, họ chính thức gia nhập khối này, cùng Ai Cập, Ethiopia và UAE. BRICS ban đầu chỉ gồm 5 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Nguồn: vnexpess.net