Các ngân hàng tung chiêu lãi suất cho vay 0% hay tín chấp qua thẻ tín dụng để hút khách vay song tín dụng cả năm vẫn khó bật tăng.
Cuối năm ngoái, hạn mức tín dụng được các nhân viên nhà băng ví như trông "mưa rào sau nắng hạn". Hồ sơ nằm chờ được duyệt giải ngân xếp hàng dài. Chỉ một vài ngày sau thông báo được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tín dụng, còn được gọi là "nới room", có đơn vị thậm chí ngay lập tức lấp đầy dư địa.
Tình thế hiện nay trái ngược. Khi còn hai tuần cuối năm, lãnh đạo một ngân hàng cho biết cả hệ thống vẫn chạy đua để "lấp đầy room" được cấp.
Dư nợ tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 12 vẫn tăng chậm, cách xa mục tiêu cả năm đặt ra. Tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước.
Thanh Tùng, cán bộ tín dụng một nhà băng trong top 10, nói nỗi khổ của nhân viên tín dụng lúc này là áp lực tìm khách hàng cho vay nhưng cũng phải kiểm soát rủi ro.
Chỉ tiêu này quyết định đến thu nhập, thưởng cuối năm nên càng những ngày cuối của tháng 12, nhân viên tín dụng càng nỗ lực để đẩy doanh số giải ngân. "Tìm khách hàng vừa tốt vừa có nhu cầu vay vốn lúc này là điều không dễ. Nhiều doanh nghiệp rất muốn vay nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn về tài sản đảm bảo, quy định kiểm soát rủi ro, còn những doanh nghiệp đáp ứng lại ‘co mình’ thận trọng", Tùng cho biết.
Khác với giai đoạn chạy đua huy động tiền gửi mùa cuối năm, lúc này nhiều nhà băng thậm chí giảm lãi suất tiết kiệm xuống đáy trong khi khuyến mãi khách hàng đi vay.
Thậm chí, có nhà băng còn tung gói vay lãi suất ưu đãi 0% như một hình thức thu hút khách vay vốn. Trong hai tuần cuối năm, nhà băng tư nhân HDBank tung chương trình lãi suất cho vay 0% trong tháng đầu để khuyến khích cá nhân và doanh nghiệp đi vay, áp dụng cho cả khách mới và hiện hữu vay thêm. Riêng với khách hàng doanh nghiệp, gói này áp dụng cho nhóm nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chi lương, thưởng vào dịp cuối năm, từ các tháng tiếp theo lãi suất từ 6,7% trở lên.
Để hút khách vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, VPBank cũng đẩy mạnh giải ngân qua hình thức cấp vốn lưu động bằng thẻ tín dụng. Họ phát hành thẻ tín dụng với hạn mức 10 tỷ cho chủ doanh nghiệp chi tiêu mùa cuối năm. Theo đại diện nhà băng này, chủ doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa 45 ngày lãi suất 0% hoặc chuyển đổi thành hình thức trả góp với lãi suất 1-1,2%, thấp hơn nhiều so với đa phần lãi suất thẻ tín dụng hiện nay.
Với khách hàng vay mua nhà, lãi suất ưu đãi trong thời gian đầu cũng đang về mức hấp dẫn. Nhà băng ngoại Shinhan Bank đưa lãi suất 6 tháng đầu về 5,99% hay như tại BVBank, lãi suất ưu đãi về 5,5%...
"Với lãi suất cho khoản vay mới hiện nay, chúng tôi thậm chí chấp nhận huề vốn", đại diện một nhà băng chia sẻ.
Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Thanh Tùng
Dù tốc lực tìm cách giải ngân nhưng theo lãnh đạo ngân hàng, tín dụng vẫn khó bật tăng mạnh trước nhu cầu yếu và tâm lý chờ lãi suất giảm thêm.
Gần một tháng nay, Thanh Huyền (Hà Nội) liên tục nhận được cuộc gọi từ phía ngân hàng hỏi về nhu cầu vay vốn. Có sổ tiết kiệm, có thẻ tín dụng, chưa từng trễ hẹn thanh toán, Huyền trở thành đối tượng tiềm năng được săn đón. Tuy nhiên, cô không có ý định vay tiền lúc này bởi "không có nhu cầu và cũng không muốn chi tiêu".
"Nếu là ba năm trước thì có lẽ sẽ khác, nhưng bối cảnh hiện tại không cho phép mình vung tay quá trán", Huyền nói và cho biết công ty của cô vừa cắt giảm 20% nhân sự vì kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.
Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc khối cho vay bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank) cho biết, tình hình tín dụng tăng chậm và khó hơn dù các cơ quan quản lý và ngành ngân hàng đã hết sức nỗ lực.
"Trong giai đoạn cuối năm này, ngân hàng chúng tôi có ghi nhận tín dụng có cải thiện hơn so với các tháng trước. Nhưng nhìn chung tình hình vẫn chậm và thấp hơn so với kỳ vọng", ông Vũ nói. Lý giải điều này, ông đánh giá nhu cầu vay và năng lực vay vốn của khách hàng suy giảm so với trước, dẫn đến một số không đáp ứng được điều kiện vay, số khác có tâm lý trì hoãn hoặc e ngại rủi ro cũng như kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm...
Thực tế, lãi suất thả nổi sau khi hết thời gian ưu đãi, vẫn đang là một trở ngại tâm lý với nhiều người. Mức lãi suất thả nổi có sự phân hóa mạnh tại các nhà băng và cao hơn đáy hồi 2021.
Theo tính toán của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất cho vay trung bình ghi nhận trên báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết tính đến cuối quý III năm nay đã giảm khoảng 0,6% so với mức đỉnh vào quý đầu năm. Tuy nhiên, nếu so với đáy ghi nhận vào cuối 2021, lãi suất cho vay vẫn đang cao hơn khoảng 1,6%.
Dù lãi suất cho vay mới giảm, mức lãi suất áp dụng cho các khoản vay hiện hữu theo tính toán của công ty chứng khoán, vẫn trên 10% một năm do có độ trễ từ 3 đến 6 tháng so với lãi suất huy động và có sự phân hóa về mức độ giảm giữa các ngành nghề.
Dự báo cho năm tới, các công ty chứng khoán kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm và dư nợ tín dụng cải thiện hơn 2023.
VCBS dự đoán mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-1,5 điểm % trong năm tới. Trong đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Còn theo nhận định của Công ty chứng khoán MB (MBS), trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng tích cực hơn ở mức 6-7%, đầu tư và tiêu dùng đều khởi sắc trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu sử dụng vốn năm tới sẽ quay trở cân bằng với tình trạng dư thừa thanh khoản hiện nay. Dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 13-14%.
nguồn : vnexpress.net