Ấn Độ được kỳ vọng thay Trung Quốc làm cỗ máy tăng trưởng toàn cầu, nhờ dân số bùng nổ và đầu tư mạnh tay cho hạ tầng, công nghệ.
Giới phân tích ví kinh tế Ấn Độ như một con voi - rất khó dịch chuyển, nhưng một khi đã cử động là sẽ gây ra ảnh hưởng lớn. Khi kinh tế toàn cầu gần đây liên tiếp trải qua khủng hoảng, Ấn Độ đã tận dụng cơ hội này để gia tăng ảnh hưởng.
Việc này thể hiện ngay từ đầu năm, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Thụy Sĩ. Các đại diện của Ấn Độ xuất hiện tại các con phố chính ở Davos nhiều đến nỗi có nhà đầu tư từng mô tả con phố này là "Ấn Độ thu nhỏ".
Vài tháng sau, Ấn Độ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20, gồm lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới. Sự kiện này lần đầu được tổ chức ở Ấn Độ, giúp thị trường chứng khoán nước này liên tiếp lập đỉnh.
Báo cáo gần đây của BMI - đơn vị nghiên cứu thuộc Fitch Solutions - cho biết thị trường tiêu dùng tại Ấn Độ sẽ lớn nhất thế giới trước năm 2027, do số gia đình thu nhập trung bình và cao đang tăng.
Báo cáo tháng trước của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự đoán nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trước năm 2030. Họ có thể đạt vị trí này sớm nhất là năm 2027. Khi đó, GDP Ấn Độ sẽ là 5.430 tỷ USD, xếp trên Đức - 5.330 tỷ USD và Nhật Bản - 4.570 tỷ USD.
Các thành tích của Ấn Độ không chỉ giới hạn ở mặt đất. Hồi tháng 8, nước này cũng gia nhập số ít quốc gia đưa được tàu vũ trụ lên mặt trăng. Điều này cho thấy tham vọng khoa học - công nghệ khổng lồ của New Delhi.
Người dân đi lại trước cửa một siêu thị ở Mumbai (Ấn Độ). Ảnh: Reuters
Ấn Độ thu hút sự chú ý đúng thời điểm Trung Quốc - cỗ máy tăng trưởng của toàn cầu suốt vài thập kỷ qua - đang chững lại. Quốc gia Nam Á vì thế được kỳ vọng sẽ là cái tên kế thừa tiềm năng. Ấn Độ có nhiều điều kiện thuận lợi, từ dân số trẻ, đang bùng nổ đến các nhà máy được xây dựng khắp nơi.
"Kinh tế Ấn Độ đang tìm cách tăng tốc. Đó là điều không thể chối cãi. Họ đã thực hiện hàng loạt cải tổ trong các năm qua, để mở đường cho tăng trưởng vững chắc. Quốc gia này cũng nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư ngoại", Eswar Prasad - Giáo sư tại Đại học Cornell nhận định trên CNN.
Ấn Độ hiện có quan hệ tốt với phương Tây. Trong khi đó, phương Tây gần đây ngờ vực và đề phòng Trung Quốc. Vì thế, nhà đầu tư hiện coi Ấn Độ là điểm sáng trong thế giới ngày càng phân mảnh.
Vài thập kỷ trước, thế giới từng có nhiều thời điểm lạc quan về Ấn Độ. Tuy nhiên, sự hào hứng này không tồn tại lâu khi Trung Quốc vượt lên. Hiện tại, khoảng cách giữa hai nền kinh tế này vẫn rất lớn. Ấn Độ đang là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với GDP gần 3.500 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc đứng thứ hai với gần 15.000 tỷ USD.
Trong báo cáo cập nhật tháng trước, IMF dự báo hai nền kinh tế châu Á này sẽ đóng góp nửa tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm nay. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn góp phần lớn.
Để giành vai trò cỗ máy tăng trưởng toàn cầu của Trung Quốc trong 5 năm tới, ngân hàng Barclays dự báo Ấn Độ cần tăng trưởng ổn định ở mức 8% mỗi năm. IMF thì dự báo quốc gia Nam Á chỉ tăng trưởng 6,3% năm nay.
"Kinh tế Ấn Độ có thể thoải mái tăng trưởng ít nhất 6% trong vài năm tới. Nhưng để đạt mức 8%, lĩnh vực tư nhân nước này cần nâng đầu tư lên một cấp độ mới", Barclays nhận xét.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đặt mục tiêu GDP đạt 5.000 tỷ USD năm 2025. Vì thế, họ đã đặt nền móng giúp các doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
Cũng như Trung Quốc 3 thập kỷ trước, Ấn Độ đang rót tiền mạnh tay cho cơ sở hạ tầng. Họ đã chi hàng tỷ USD làm đường bộ, xây cảng, sân bay, đường sắt. Chỉ riêng trong ngân sách năm nay, 120 tỷ USD đã được dành ra cho các dự án chi tiêu nhằm thúc đẩy kinh tế.
Trong giai đoạn 2014 - 2022, Ấn Độ đã bổ sung 50.000 km vào hệ thống đường sắt quốc gia. Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết tốc độ xây dựng các dự án cao tốc trên cả nước đã tăng gấp đôi so với 9 năm trước.
Công nhân tại một công trường ở Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: Reuters
Ấn Độ còn đang tích cực số hóa nền kinh tế. Họ hiện là quê hương của một số hãng công nghệ hàng đầu thế giới. "Số hóa đã thay đổi cuộc sống của người dân và doanh nghiệp nước này. Chiến lược này giảm nhiều rào cản với hoạt động kinh doanh, đồng thời giúp người dân Ấn Độ hưởng lợi từ thành tựu kinh tế của đất nước", Prasad cho biết.
Ví dụ, chương trình định danh cá nhân Aadhaar ra mắt năm 2009 đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người Ấn Độ, khi giúp họ lần đầu được xác thực danh tính. Hiện tại, đây là cơ sở dữ liệu sinh trắc học lớn nhất thế giới, bao quát hầu hết dân số 1,4 tỷ người của Ấn Độ. Nó cũng giúp chính phủ tiết kiệm hàng triệu USD khi giảm tham nhũng trong các chính sách an sinh xã hội.
Một chương trình khác - UPI (Unified Payments Interface) - giúp người dùng thanh toán ngay lập tức bằng cách quét mã QR. Cách thức này ngày càng phổ biến tại Ấn Độ, được cả các chủ quán cà phê và người ăn xin sử dụng.
Tháng 9, Thủ tướng Modi trích báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nhờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, "Ấn Độ đã đạt mục tiêu tài chính bao trùm chỉ trong 6 năm, thay vì ít nhất 47 năm".
Các công ty Ấn Độ cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Các tập đoàn đa ngành hàng đầu nước này - Reliance Industries của Mukesh Ambani và Andani Group của Gautam Adani - đã chi hàng tỷ USD cho công nghệ 5G và nhiên liệu sạch. Các doanh nghiệp này đều có xuất phát điểm ngành truyền thống, như nhiên liệu hóa thạch.
Ấn Độ đang hưởng lợi từ chiến lược củng cố chuỗi cung ứng của các công ty trên toàn cầu. Các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt từ sau khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và Covid-19 xuất hiện.
Ấn Độ đã công bố chương trình khuyến khích sản xuất trị giá 26 tỷ USD để thu hút các doanh nghiệp mở nhà máy trong 14 lĩnh vực, từ điện tử, xe hơi đến dược phẩm và thiết bị y tế. Kết quả là một số doanh nghiệp lớn, như Foxconn - hãng lắp ráp cho Apple - đã mở rộng hoạt động đáng kể tại Ấn Độ.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ khó có thể tái lập kỳ tích kinh tế như Trung Quốc vài chục năm trước. "Không như Trung Quốc cuối thập niên 90, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa gỡ bỏ các rào cản với đầu tư nước ngoài một cách nhanh chóng. Tôi cho rằng Ấn Độ vẫn còn thủ tục rườm rà, kinh tế khó đoán và nhiều rào cản phi thuế quan", Willy Shih - Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard nhận định.
Năm 2016, Ấn Độ đột ngột khai tử tờ 500 và 1.000 rupee, khiến nhiều người dân và doanh nghiệp sống dựa vào tiền mặt chịu ảnh hưởng nặng nề. Hàng nghìn người Ấn Độ đã đổ đến các ngân hàng để đổi tiền, do hai loại tiền này quá phổ biến. Các nhà băng đã phải làm thêm giờ và bố trí thêm nhân viên để giải quyết việc này.
Và dù quốc gia này đã làm nhiều cách để thu hút doanh nghiệp ngoại, giới chức lại không mấy mặn mà với doanh nghiệp từ Trung Quốc. Tháng 7/2023, Ấn Độ không thông qua kế hoạch xây nhà máy xe điện của BYD và một công ty địa phương, với lý do vì an ninh quốc gia.
Trong một báo cáo tháng trước của HSBC, các nhà kinh tế học Frederic Neumann và Justin Feng viết: "Ấn Độ đang có quá ít yếu tố để lấp chỗ trống của cỗ máy tăng trưởng Trung Quốc". Họ cũng chỉ ra hai nước có sự khác biệt về tiêu dùng và đầu tư.
Trung Quốc hiện đóng góp 30% đầu tư trên toàn cầu, trong khi tỷ lệ này của Ấn Độ chỉ là 5%. "Kể cả khi Trung Quốc dừng lại và Ấn Độ tăng tốc đầu tư lên gấp 3, họ vẫn phải mất 18 năm nữa mới bắt kịp mức đầu tư từ Trung Quốc", báo cáo cho biết.
Tiêu dùng tại Ấn Độ cũng phải mất 15 năm nữa mới bằng Trung Quốc hiện tại. "Những điều này không phải để nói rằng Ấn Độ sẽ không có ảnh hưởng lớn. Mà là chúng tôi cho rằng sự trỗi dậy của họ là chưa đủ để bảo vệ kinh tế toàn cầu nếu Trung Quốc xuống dốc hơn nữa", báo cáo kết luận.
nguồn : vnexpress.net