Thủ tướng yêu cầu ngành điện không để khủng hoảng năng lượng trong mọi tình huống và đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Yêu cầu này được nêu trong thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo lãnh đạo Chính phủ, giá nhiên liệu đầu vào tăng cao những tháng đầu năm 2022 đã tác động không nhỏ tới giá thành sản xuất điện, EVN đã nỗ lực tiết kiệm chi phí, vận hành hệ thống điện linh hoạt, phù hợp và không tăng giá bán lẻ điện. Việc này góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu hàng đầu với ngành điện năm nay và các năm tiếp theo là phải đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội.
Công nhân điện lực TP HCM sửa chữa, bảo dưỡng trên đường dây. Ảnh: EVNHCM
Với các kiến nghị của EVN liên quan tới cơ chế đảm bảo cân bằng tài chính, đầu tư các dự án điện trọng điểm..., Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan "làm hết trách nhiệm, tuyệt đối không được trì trệ làm chậm tiến độ các dự án, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc".
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, thúc đẩy hợp tác mua bán điện với Lào đến 2025 và giai đoạn tiếp theo. Bộ này sẽ báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tại cuộc họp với Thủ tướng, đại diện EVN đã kiến nghị cơ chế mua, huy động các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng xong nhưng không đủ điều kiện áp dụng giá FIT ưu đãi.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến 31/10/2021, có 84 dự án điện gió kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng giá ưu đãi (FIT) 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT) trong 20 năm. Như vậy, còn 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 3.500 MW chưa kịp về đích đúng hạn để hưởng mức giá ưu đãi trên. Còn với điện mặt trời, hiện có hơn 452,6 MW đã thi công xong, chờ xác định giá bán điện. Việc chưa có chính sách phát triển tiếp theo cho điện gió hay điện mặt trời sau thời điểm hết ưu đãi giá FIT, khiến các nhà đầu tư vào loại hình năng lượng tái tạo "đứng ngồi không yên".
Thủ tướng cho rằng đây là lĩnh vực đã có phân công Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, nên yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện theo các yêu cầu này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần đẩy nhanh nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc, xây dựng cơ chế, giá điện gió cho các dự án đầu tư mới theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm giá mua điện hợp lý và mức độ khuyến khích phát triển hợp lý.
Các cơ chế này phải đảm bảo giá mua điện hợp lý, khuyến khích phát triển loại năng lượng tái tạo này hợp lý và cạnh tranh lành mạnh, hài hoà lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư - người dân.
Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Công Thương phải đảm bảo nghiêm cấm xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm và "chạy" hay "xin cho" dự án trong quá trình xây dựng, thực hiện cơ chế đấu giá, đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
nguồn : vnexpress.net