Giá điện tăng 3% từ tháng 5 nhưng Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho hay chỉ giảm bớt một phần dòng tiền, còn tài chính vẫn tiếp tục khó khăn.
Ở tọa đàm về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 26/9, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tập đoàn này gặp nhiều khó khăn về giá và cung ứng điện.
Theo ông, ngoài nhiệm vụ kinh tế, hạch toán lỗ lãi, EVN còn được giao nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, gồm các vùng sâu, vùng xa, biển đảo. Tại những vùng này, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, giá thành sản xuất kinh doanh điện có thể lên tới 7.000 đồng một kWh, song giá bán lẻ điện chỉ ở mức 1.900 đồng mỗi kWh.
"Trong bối cảnh đảm bảo an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu thì EVN phải chấp nhận giá bán thấp hơn giá thành", ông nói.
Nhưng việc này cũng khiến "ông lớn" ngành điện rơi vào cảnh khó khăn tài chính, khi giá nhiên liệu cho sản xuất điện (dầu, than, xăng dầu) tăng đột biến. Chẳng hạn, năm ngoái giá than có thời điểm cán mốc 400 USD một tấn, tăng gấp 5 lần so với 2021. Trong khi mặt hàng này chiếm 84% giá thành sản xuất điện và tỷ trọng nguồn nhiệt điện chiếm hơn 50% giá thành của ngành điện. EVN lỗ hơn 26.200 tỷ đồng năm ngoái.
Năm 2022, được sếp EVN ví là năm khó khăn nhất với doanh nghiệp. Năm nay giá điện tăng 3% từ tháng 5, nhưng Phó tổng giám đốc EVN nói, chỉ giảm bớt một phần dòng tiền, còn tài chính vẫn tiếp tục khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN nói tại tọa đàm về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 26/9. Ảnh: Hoàng Phong
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư gần đây cho biết, nửa đầu năm nay "ông lớn" ngành điện ghi nhận lỗ khoảng 35.400 tỷ đồng, nhưng tới tháng 8 số lỗ này giảm về còn 28.700 tỷ đồng.
Giá nhiên liệu sản xuất điện năm nay hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao. Hiện, mỗi tấn than ở mức 180-220 USD, cao hơn 40-50% ngưỡng giá năm 2021. Giá dầu tăng mạnh lên mức 93 USD một thùng, gấp rưỡi trước đây. Điều này khiến giá vốn sản xuất điện tăng lên, đẩy giá điện mua vào tăng theo và gây ra khó khăn tài chính cho EVN.
Chia sẻ, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận xét, EVN mua điện đầu vào theo giá thị trường, nhưng bán ra theo giá mà Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành quy định. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đối mặt rủi ro chênh lệch tỷ giá. Chẳng hạn, trước đây 1 USD đi vay để đầu tư phát triển lưới, hạ tầng điện tương đương 16.000 USD, nhưng hiện 24.000 VND đổi một USD, tức tăng gần 40%. Khoản chênh lệch tỷ giá này EVN phải chịu.
Để giảm bớt khó khăn tài chính cho EVN, tại dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 24/2017 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương trong đề xuất tính thêm vào giá điện các khoản như chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh khi tính giá bán lẻ điện. Việc điều chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân, theo Bộ Công Thương, làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Theo chuyên gia, việc phân bổ các khoản chưa được tính vào giá điện là hợp lý, nhưng nhà chức trách cần đưa ra lộ trình để tránh giá tăng sốc, ảnh hưởng tới đời sống, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
nguồn : vnexpress.net