THỤY SĨChia sẻ tại WEF, lãnh đạo một số ngân hàng trung ương không coi tiền số là phương tiện thanh toán tin cậy, thậm chí không phải là tiền.
Giá các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Ethereum và nhiều coin ổn định (stablecoin) như Luna và TerraUSD gần đây lao dốc, khiến tài sản của nhà đầu tư bốc hơi mạnh. Điều này càng khiến khả năng tiền số được các ngân hàng trung ương trên thế giới chấp nhận càng xa vời.
Thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos hôm 23/5, một số lãnh đạo đã bày tỏ quan điểm này. "Bitcoin có thể được gọi là một đồng xu, nhưng không phải tiền. Nó không phải là nơi cất trữ giá trị ổn định", Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết.
Bà nhận định nhiều tiền số còn tương tự mô hình kim tự tháp, vì chúng không được hỗ trợ bởi tài sản thực. Dù vậy, bà cho rằng tiền số do các ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) trên thực tế là ổn định.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva (áo xanh) và Thống đốc Ngân hàng Thái Lan tại phiên thảo luận hôm 23/5. Ảnh chụp màn hình sự kiện của WEF
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp François Villeroy de Galhau cũng có chung quan điểm này. "Tiền số không phải là phương tiện thanh toán đáng tin cậy. Ai đó phải chịu trách nhiệm về giá trị và nó phải được chấp nhận trên toàn cầu như một phương tiện trao đổi. Tiền số thì không như thế", ông giải thích. Ông cũng cho biết thêm rằng một số người Pháp đã "mất niềm tin vào tiền số" vì biến động lớn gần đây.
Vì không coi tiền số là tiền, các lãnh đạo tài chính băn khoăn mục tiêu dài hạn của công cụ này nên là gì. Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput cho biết nước này đang thử nghiệm tiền điện tử, nhưng trên quan điểm họ cần biết rõ ràng vấn đề muốn giải quyết là gì.
"Chúng tôi không muốn coi tiền số như một phương tiện thanh toán", ông tuyên bố và nói thêm rằng đây là công cụ đầu tư hơn là phương tiện trao đổi. François Villeroy de Galhau thì dẫn chứng thêm việc El Salvador thử nghiệm hợp pháp hóa Bitcoin đã cho thấy chấp nhận tiền số có thể rủi ro như thế nào.
Bà Georgieva cho rằng tiền điện tử của các ngân hàng trung ương (CBDC) có thể là một "hàng hóa công cộng toàn cầu", giúp mọi người gửi tiền qua biên giới. Điều quan trọng là ở khả năng tương tác, để việc chuyển các loại tiền điện tử dễ dàng như USD hay euro.
Theo các chuyên gia, sẽ phải mất một thời gian nữa để tiền điện tử phát triển và được coi là bình thường đối với người tiêu dùng, các tổ chức tài chính lớn và chính phủ. Các nhà lập pháp ở Mỹ cũng như Cục Dự trữ Liên bang cũng đang tranh luận về ưu và nhược điểm của các loại tiền tệ được hỗ trợ trên nền kỹ thuật số.
"Không có lời giải đơn giản nào cho vấn đề phức tạp này", Axel Lehmann, Chủ tịch Credit Suisse (CS) kết luận.
nguồn : vnexpress.net