Năm 2024 ghi nhận hàng loạt biến động, từ Mỹ, châu Âu giảm lãi suất sau nhiều năm, đến Đức vượt Nhật Bản thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Năm ngoái, tăng trưởng toàn cầu trì trệ khi các nước tiên tiến bắt đầu ngấm đòn từ cuộc chiến chống lạm phát. Việc nâng lãi suất gây sức ép lên hoạt động đầu tư, tiêu dùng tại loạt nền kinh tế lớn.
Tuy nhiên, sang 2024, kinh tế thế giới đã có bước ngoặt, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong báo cáo triển vọng kinh tế hồi tháng 9, OECD nhận định tăng trưởng năm nay sôi động và lạm phát đã về gần mục tiêu của các ngân hàng trung ương.
GDP toàn cầu có thể tăng 3,2%, nhỉnh hơn năm ngoái (3,1%). Lạm phát tại các nước G20 được dự báo về 5,4%, giảm so với 6,1% năm ngoái và có thể đạt mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong năm sau.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đánh giá kinh tế toàn cầu ổn định, với điểm sáng là Mỹ và các nước mới nổi châu Á. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều mối đe dọa lớn sắp tới, việc các quốc gia chuyển hướng chính sách được cho là phù hợp.
Mỹ, châu Âu lần đầu giảm lãi suất sau nhiều năm
Dù không phải quốc gia đầu tiên nới lỏng tiền tệ, Mỹ lại gây chú ý nhất. Trong phiên họp chính sách tháng 9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%). Đây là lần đầu tiên cơ quan này hạ lãi suất kể từ 2020.
Động thái này đã được nhà đầu tư dự báo từ lâu, khi lạm phát tại Mỹ về sát mục tiêu 2% của Fed. Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được đánh giá đang hạ cánh mềm, tức là lạm phát hạ nhiệt nhưng kinh tế không rơi vào suy thoái.
Bảng điện tử tại sàn chứng khoán New York hiện thông báo giảm lãi suất của Fed hồi tháng 9. Ảnh: Reuters
Việc Fed hạ lãi suất có tác động lớn trên toàn cầu, khi mở đường cho nhiều quốc gia khác điều chỉnh theo và xoa dịu sức ép lên tiền tệ các nước mới nổi. Giá vàng và chứng khoán Mỹ cũng liên tiếp lập đỉnh nhờ động thái này. Đến nay, Fed đã giảm lãi suất 3 lần liên tiếp.
Trong khi đó, châu Âu chậm chân hơn trong làn sóng nâng lãi, nhưng lại đi trước về giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất từ tháng 6, lần đầu tiên kể từ 2019. Đến nay, cơ quan này đã giảm lãi 4 lần, để ngỏ khả năng tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Ngoài Mỹ, châu Âu, nhiều nền kinh tế khác như Thụy Sĩ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng điều chỉnh lãi suất. Làn sóng nới lỏng tiền tệ lan ra toàn cầu.
Đức vượt Nhật Bản thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới
Theo số liệu chính thức công bố hồi tháng 2, GDP Nhật Bản năm 2023 tăng 5,7%, lên 591.400 tỷ yen (hơn 4.200 tỷ USD). Trong khi đó, GDP Đức đạt hơn 4.400 tỷ USD. Việc này giúp Đức vượt Nhật Bản thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên trong 55 năm, tăng trưởng kinh tế Đức cao hơn Nhật Bản.
Công nhân Volkswagen tại Đức biểu tình phản đối kế hoạch cắt giảm chi phí hồi đầu tháng. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, tăng trưởng Nhật Bản đi xuống chủ yếu do đồng yen mất giá mạnh so với USD. Hai năm qua, đồng tiền này mất giá gần 20% so với đôla Mỹ, khiến GDP nước này quy đổi sang USD bị giảm theo. Việc chấm dứt lãi suất âm đến nay vẫn chưa giúp yen Nhật mạnh lên như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Trong khi đó, kinh tế Đức cũng vật lộn với nhiều thách thức. GDP nước này giảm 0,3% năm ngoái - lần đầu tiên kể từ khi đại dịch xuất hiện. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) hồi đầu tháng 11, nền kinh tế này có thể tiếp tục suy giảm năm nay.
Gần đây, loạt hãng sản xuất danh tiếng của Đức thông báo sa thải lao động do cạnh tranh từ đối thủ Trung Quốc. Nước này cũng phải giải quyết các bất lợi truyền thống như chi phí lao động, thuế cao, giá năng lượng tăng sau xung đột Nga - Ukraine năm 2022.
Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm
Sau 8 năm áp dụng với nhiều tranh cãi, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hồi tháng 3 có bước ngoặt lịch sử khi ngừng chính sách lãi suất âm. Lãi suất ngắn hạn được nâng lên 0-0,1%, thay vì -0,1% như trước.
Lạm phát lõi (đỏ) và lãi suất (xanh) tại Nhật Bản giai đoạn 2000-2024. Đồ thị: Statista
Đây là lần đầu sau 17 năm, cơ quan này nâng lãi suất. Họ cũng từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), vốn được áp dụng từ 2016 nhằm giữ trần lãi suất dài hạn quanh 0%. Sau 2 lần điều chỉnh, lãi suất tại Nhật Bản lên quanh 0,25%, do đà phục hồi kinh tế còn mong manh.
Động thái thắt chặt tiền tệ của Nhật Bản trái ngược với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Tuy nhiên, quyết định này được dự báo từ lâu, khi lạm phát vượt mục tiêu 2% suốt hơn một năm.
Dù vậy, giới phân tích đánh giá việc nâng lãi không có nhiều tác động thực tế lên lãi vay và mua nhà trong nước, chủ yếu mang tính biểu tượng. Tăng lãi suất đến nay cũng chưa giúp kéo giá yen Nhật lên cao như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Trung Quốc tung chính sách kích thích kinh tế mạnh nhất từ đại dịch
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã không bùng nổ như kỳ vọng sau khi gỡ bỏ chính sách Zero Covid đầu năm 2023. Thậm chí, Trung Quốc còn nhiều lần rơi vào giảm phát, trong bối cảnh nhu cầu nội địa đi xuống, bất động sản chưa thoát khủng hoảng và nợ chính quyền địa phương ở mức cao. Trong quý III, GDP nước này tăng chậm nhất kể từ đầu năm 2023.
Bên trong một hội chợ bất động sản ở Thâm Quyến (Trung Quốc) hồi tháng 10. Ảnh: Reuters
Việc này khiến giới chức phải tung ra đợt kích thích mạnh nhất kể từ đại dịch, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ. Từ cuối tháng 9, Trung Quốc liên tục giảm lãi suất tham chiếu, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, đẩy nhanh cấp vốn nhiều dự án và hỗ trợ các địa phương giảm nợ. Đầu tháng này, Bắc Kinh còn thông báo nới lỏng chính sách tiền tệ, sau 14 năm áp dụng lập trường thận trọng.
Những động thái trên được giới phân tích đánh giá là "muộn còn hơn không", cho thấy quyết tâm vực dậy kinh tế của giới chức Trung Quốc. Đặc biệt trong bối cảnh năm tới có nhiều thách thức hơn, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Lời đe dọa áp thuế nhập khẩu của ông Trump được dự báo sẽ tác động mạnh hơn nhiệm kỳ đầu, do nền tảng của Bắc Kinh hiện yếu hơn trước đây.
Mỹ, châu Âu tăng thuế nhập khẩu với xe điện Trung Quốc
Xe của các hãng Trung Quốc chờ xuất khẩu từ cảng Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Ảnh: China Daily
Tham vọng xe điện của Trung Quốc năm nay gặp rào cản lớn, khi Mỹ và châu Âu đều nâng thuế nhập khẩu với sản phẩm này. Hồi tháng 5, Mỹ thông báo thuế với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên 102,5%, từ mức 27,5%. Việc này nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất ôtô và công nhân Mỹ.
Một tháng sau, Ủy ban châu Âu (EC) cũng tuyên bố áp thuế bổ sung với ôtô điện Trung Quốc 17-38% tùy hãng, bên cạnh mức chung 10%. Động thái này dựa trên kết quả sơ bộ của cuộc điều tra cho thấy xe điện Trung Quốc được hưởng lợi từ "trợ cấp không công bằng".
Giới phân tích cho rằng nhà chức trách Mỹ, EU lo ngại xe điện Trung Quốc tràn ngập thị trường của họ, trong bối cảnh cuộc chiến giảm giá tại đây ngày càng khốc liệt.
Khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại được dự báo càng tăng lên sau khi ông Trump nhậm chức năm tới, giới phân tích lo ngại các động thái này sẽ lan rộng thành chiến tranh thương mại toàn diện. Vì ngay sau động thái của EC, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra rượu cognac và thịt lợn châu Âu xuất sang nước này.
Giá Bitcoin vượt 100.000 USD
Năm 2024, giá tiền số lớn nhất thế giới có hai đợt tăng mạnh. Đó là sau khi Mỹ phê duyệt hoạt động của các quỹ ETF Bitcoin hồi tháng 1 và chiến thắng của ông Donald Trump trong bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11. Ngày 16/12, giá có thời điểm lập đỉnh mới tại 106.500 USD một đồng, vì tin đồn Mỹ sẽ có kho dự trữ Bitcoin ngay năm sau.
Từ đầu năm, đồng tiền này đã tăng khoảng 130%. Vốn hóa thị trường đạt 2.000 tỷ USD, sau vàng và vốn hóa các công ty công nghệ lớn.
Bitcoin nổi tiếng với biến động giá lớn và vẫn luôn gây tranh cãi kể từ khi ra đời. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy giới chức và thị trường tài chính truyền thống đang dần chấp nhận tiền số này. Một số công ty quản lý tài sản lớn như BlackRock, Invesco và Fidelity đều có các quỹ ETF Bitcoin (một loại quỹ giao dịch trên thị trường chứng khoán, đầu tư chủ yếu vào Bitcoin).
Vài tháng qua, cộng đồng tiền số cũng phấn khích trước lời hứa của ông Donald Trump rằng sẽ biến Mỹ trở thành "siêu cường Bitcoin" thế giới. Giới chức Nga tháng này còn đề xuất lập kho dự trữ tiền số.
Giá vàng thế giới lập đỉnh
Diễn biến giá vàng thế giới trong một năm qua. Đồ thị: Goldprice
Thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy từ đầu năm, giá vàng đã 40 lần lập đỉnh, gần nhất là cuối tháng 10 với 2.787 USD một ounce. Tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong quý III lần đầu tiên chạm 100 tỷ USD.
Từ đầu năm, giá đã tăng 30%, nhờ lực mua của các ngân hàng trung ương và làn sóng giảm lãi suất trên toàn cầu. Nhu cầu trú ẩn cũng lên cao, khi nhà đầu tư lo ngại về nợ công các nước châu Âu và chiến sự tại Trung Đông, Ukraine.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, vàng bị bán tháo suốt vài tuần, nhưng sau đó tăng trở lại. Sang 2025, WGC cho rằng đà tăng của kim loại quý sẽ chậm hơn, nếu không có thêm chất xúc tác mới. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs kỳ vọng thị trường lập đỉnh mới năm tới, có thể lên 3.000 USD một ounce trước tháng 12/2025.
Goldman Sachs dự báo căng thẳng thương mại leo thang khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm sau. Bên cạnh đó, lo ngại về sự bền vững của chính sách tài khóa tại Mỹ sẽ giúp kim loại quý tăng giá. Nhà băng Mỹ hiện xếp vàng vào nhóm hàng hóa top đầu nên mua cho năm 2025.
Nvidia lên ngôi công ty giá trị nhất thế giới
Nhân viên Nvidia giới thiệu sản phẩm tại triển lãm Computex (Đài Loan, Trung Quốc), tháng 6/2024. Ảnh: Reuters
Cơn sốt AI trên toàn cầu 2 năm qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi hãng sản xuất chip AI hàng đầu thế giới Nvidia hai lần vượt Apple, Microsoft để trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Lần gần nhất là đầu tháng 11, khi vốn hóa hãng chip Mỹ đạt 3.380 tỷ USD.
Từ đầu năm, mã này đã tăng giá gần gấp 3. Tính chung 5 năm qua, cổ phiếu Nvidia tăng hơn 2.700%. Doanh thu của hãng cũng ghi nhận mức tăng gấp đôi hoặc ba trong 5 quý gần nhất, khi loạt đại gia công nghệ như Google, Microsoft, Meta, Amazon và OpenAI mua hàng tỷ USD chip đồ họa.
Nhà đầu tư tin tưởng sự thống trị trong lĩnh vực chip AI sẽ giúp Nvidia tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Hãng hiện chiếm 80% thị phần chip AI toàn cầu, được coi là hàn thử biểu cho thị trường này.
Từ đầu tháng 11, Nvidia còn được thêm vào Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA), thay đối thủ Intel. Đây là một trong ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ. Việc này càng phản ánh sự bùng nổ của AI và chuyển biến lớn trong ngành bán dẫn.
Nguồn: vnexpess.net