Ngành logistics vẫn "sống tốt" trước cơn bão biến động kinh tế toàn cầu, nhưng để có sức bền dài hạn thì cần cởi trói về hạ tầng.
Chiến sự Ukraine, kéo theo lạm phát ở các nước phát triển, đang làm giảm nhu cầu tiêu dùng của nhiều bạn hàng lớn của Việt Nam. Đến tháng 7, kim ngạch xuất khẩu đã giảm tốc và một số hiệp hội đã ghi nhận hoặc cảnh báo thiếu đơn hàng.
Điều này tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến ngành logistics. Ví dụ, giá trị xuất nhập khẩu qua cụm cảng khu vực miền Trung và cụm TP HCM - Đồng Nai - Bình Dương giảm lần lượt 15% và 2%. Tuy nhiên, cụm cảng Hải Phòng và Vũng Tàu vẫn tăng 7% và 2%.
Báo cáo gần đây của SSI cũng dự kiến nhiều triển vọng sáng tối đan xen. Nhu cầu vận tải container có thể giảm tốc về mức tăng trưởng một chữ số, trong khi nhu cầu vận tải dầu khí tăng. Giá cước vận tải container sẽ dần bình thường trở lại, nhưng quá trình ấy phải kéo dài đến 2023.
Cùng với đó, các công ty vận tải dầu khí có thể tăng trưởng lợi nhuận khả quan, còn các công ty vận tải container có thể chậm lại. Tăng trưởng lợi nhuận có thể ổn định với các cảng nước sâu trong khi các cảng khác đối mặt với áp lực giảm.
Dù vậy, dự báo cả năm nay của ngành logistics có khả năng vẫn sống khỏe. Báo cáo chuyên đề về logistics Việt Nam do Fitch Solutions vừa công bố dự báo khối lượng hàng hóa vận chuyển vào năm 2022 sẽ tăng trên tất cả ngành giao thông vận tải của Việt Nam, xuất phát từ tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan.
Cụ thể, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường bộ của Việt Nam sẽ tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021, đạt khoảng 1,6 tỷ tấn. Trong khi đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt và hàng không tăng lần lượt 4,4% và 14,6%.
Tăng trưởng sản lượng (tấn) hàng năm so với cùng kỳ năm trước đó. Đơn vị: %. Nguồn: Fitch Solutions
Vận tải biển cũng được Fitch Solutions dự báo tăng trưởng tích cực suốt năm nay. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cảng biển và hàng hải đã được dự báo tăng trưởng khả quan.
Chứng khoán VDSC cho rằng Gemadept sẽ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay lần lượt 20% và 75%. Vận tải và Xếp dỡ Hải An được dự báo doanh thu từ mảng thuê tàu tăng hơn gấp đôi vào năm 2022, khoảng 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề về lâu dài của ngành là phải được cải thiện về cơ sở hạ tầng, Fitch Solutions nhấn mạnh. Ví dụ, nếu hạ tầng đường bộ cải thiện thì sản lượng vận chuyển có thể mở rộng lên 3,1 tỷ tấn, so với 1,6 tỷ tấn hiện nay.
Hãng tư vấn này chấm điểm cho mạng lưới giao thông vận tải Việt Nam là 56,8 trên 100. Đây là vị trí trung bình thứ 11 trong số 18 thị trường ở khu vực Đông và Đông Nam Á, và thứ 71 trong 201 thị trường toàn cầu.
"Quy mô và chất lượng cơ sở hạ tầng hạn chế là những thách thức chính đối với các nhà đầu tư đang tìm cách sử dụng mạng lưới giao thông của Việt Nam", báo cáo của Fitch Solutions nhận xét.
Cùng với đó, phụ thuộc quá mức mạng lưới đường bộ làm tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp tốn kém nhiều hơn cho bảo hiểm hàng hóa và con người trong quá trình vận chuyển.
Trong báo cáo tháng 8 mới công bố, HSBC cũng nhấn mạnh vào vấn đề ưu tiên phát triển hạ tầng sau 2 năm gián đoạn vì dịch. "Mặc dù đã có những cải thiện nhất định, Việt Nam vẫn cần đạt được tiến triển hơn nữa trong chất lượng cơ sở hạ tầng", nhóm chuyên gia nhà băng này đánh giá.
Trong cuộc khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham), các lãnh đạo doanh nghiệp đã xác định khó khăn về hành chính và phát triển cơ sở hạ tầng là hai lĩnh vực chính cần cải thiện trong tương lai.
Tháng 9/2021, Việt Nam phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển đường bộ giai đoạn 2021-2030. Từ khoảng 1.290 km đường cao tốc hiện có, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 5.000 km vào năm 2030. Các dự án như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc Nam và các tuyến tàu điện ngầm mới của TP HCM cũng đang được xúc tiến.
Mặc dù vậy, HSBC ghi nhận nhiều dự án rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài và đội vốn. Ví dụ, phần lớn trong 11 dự án thành phần thuộc đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 đã bị chậm tiến độ hoàn thành.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua huyện Cần Giờ, TP HCM tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Với tham vọng lớn về cơ sở hạ tầng, một câu hỏi quan trọng khác đặt ra là nguồn vốn ở đâu? Hiện khoảng 90% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam đến từ các nguồn công. Vấn đề là đã 8 tháng trôi qua, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay mới đạt hơn 39% kế hoạch Thủ tướng giao.
Trong khi đó, mô hình đối tác công tư (PPP) nổi lên như một giải pháp hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng mà không gây thêm gánh nặng về tài khóa và nợ. Tuy nhiên, quy mô của những dự án công tư này vẫn còn hạn chế và chủ yếu tập trung trong lĩnh vực năng lượng.
"Việt Nam cần thêm nhiều cải cách hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút sự tham gia của khối tư nhân vào các kế hoạch cơ sở hạ tầng dài hạn, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Việt Nam", HSBC khuyến nghị.
Trong lúc chờ những chuyển động ở tầm vĩ mô của cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp lớn nhỏ trong ngành, từ vận chuyển hàng triệu TEU container để đưa hàng xuất ngoại đến chuyển phát nhanh đến tận nhà, đang chủ động tự đầu tư để cải thiện năng lực, nhằm nắm bắt cơ hội.
Hải An có kế hoạch mua 4 tàu để phát triển nhiều hơn các tuyến Nội - Á. Cảng nước sâu Gemalink của Gemadept sau khi đạt mốc một triệu TEU sau một năm vận hành hồi tháng 3 đã gấp rút chuẩn bị khởi công giai đoạn 2 để có thể đưa vào khai thác từ năm 2025, nâng tổng công suất lên gần 3 triệu TEU.
Với ngành chuyển phát, cuộc đua đầu tư vào năng lực hạ tầng là chìa khóa để nâng trải nghiệm người dùng, quyết định ai là người ở lại trong thị trường khốc liệt.
Tiki sau khi lập kho hàng đầu tiên cách đây 10 năm, nay có công ty con riêng phụ trách giao nhận năng lực vận chuyển 16 triệu sản phẩm thuộc 26 ngành hàng khác nhau. Ông Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc cấp cao Giải pháp chuỗi cung ứng, giải pháp công nghệ của họ có thể tiết kiệm chi phí cho nhà bán hàng 30-40%.
Trung tuần tháng 8, Ninja Van tung dịch vụ gỡ rối đơn hàng được chuẩn hóa bằng công nghệ. Ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc Kinh doanh Ninja Van Việt Nam, cho biết giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề làm ảnh hưởng đến trải nghiệm và doanh thu. Vào Việt Nam hồi 2014, hãng chuyển phát này đã nhanh chóng đầu tư mở rộng hoạt động trên khắp 64 tỉnh thành, có hơn 800 bưu cục, 7.500 nhân viên.
Một cái tên khác cũng tăng tốc đầu tư tại Việt Nam gần đây là J&T Express. Từ tháng 9/2021, họ đã mở rộng mạng lưới vận chuyển hàng hóa tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tháng 5 vừa qua, họ mở một nhà kho đến 60.000 m2 ở Củ Chi.
Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam, tuyên bố sẽ tiếp tục đầu tư thêm những giải pháp công nghệ mới trước bối cảnh ngành logistics và thương mại điện tử "đang tăng trưởng mạnh mẽ".
"Đứng trước miếng bánh hấp dẫn mang tên thương mại điện tử xuyên biên giới, chắc chắn không ít doanh nghiệp chuyển phát nhanh đều mong muốn sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường tiềm năng này. Nhưng tham vọng lớn đòi hỏi năng lực cạnh tranh cũng phải đủ mạnh", ông Bình bình luận.
nguồn : vnexpress.net