Energy Fuels - nhà sản xuất uranium lớn nhất Mỹ tăng khai thác khi bất ổn toàn cầu và nhu cầu dâng cao khiến nguyên liệu hạt nhân này tăng giá.
Nhà sản xuất uranium lớn nhất ở Mỹ này đang tăng cường khai thác tại Pinyon Plain Mine (Arizona) gần lối vào South Rim của Công viên Quốc gia Grand Canyon. Đây là dự án gây tranh cãi lâu dài và phần lớn không hoạt động kể từ những năm 1980. Nó được khởi động lại gần đây khi giá uranium tăng cao.
Mỏ có diện tích 6,8 ha và sẽ hoạt động từ 3 đến 6 năm, sản xuất ít nhất 2 triệu pound (khoảng 907.000 kg) uranium - đủ để cung cấp năng lượng cho bang Arizona trong ít nhất một năm, theo người phát ngôn Energy Fuels Curtis Moore.
"Khi triển vọng toàn cầu về năng lượng hạt nhân sạch, không có carbon ngày càng tăng và Mỹ rời xa nguồn cung uranium của Nga thì nhu cầu về uranium nội địa đang tăng lên", Moore cho biết.
Đầu năm nay, giá giao ngay của uranium cô đặc sử dụng trong sản xuất điện hạt nhân đã đạt đỉnh 16 năm, lên tới 92,45 USD mỗi pound, tăng hơn 200% so với cuối năm 2020. Các nhà phân tích từ Bank of America và Berenberg Bank dự báo thị trường uranium ngày càng nóng hơn, có thể đẩy giá lên trên 100 USD.
Bank of America cho biết tình trạng thắt chặt trên thị trường uranium có thể kéo dài đến 2025, cho thấy giá có thể tăng cao hơn trong năm nay. Họ tăng mục tiêu giá uranium giao ngay lên 105 USD mỗi pound vào 2024 và 115 USD năm sau.
Theo công ty dữ liệu thị trường uranium UxC, nhu cầu uranium đang tăng cao khi các hợp đồng được ký kết bởi các công ty điện đạt 202 triệu USD vào năm ngoái, giá trị cao nhất kể từ năm 2012. "Thị trường uranium ngày càng thắt chặt hơn", Jonathan Hinze, Chủ tịch UxC nói trên Wall Street Journal.
Một tháp trục tại mỏ uranium Pinyon Plain Mine ngày 31/1. Ảnh: AP
Energy Fuels cũng đang chuẩn bị khai thác thêm hai mỏ ở Colorado và Wyoming, nơi đã sản xuất khoảng hai phần ba lượng uranium ở Mỹ trong 5 năm qua. Vào năm 2022, công ty nhận hợp đồng bán tinh quặng uranium trị giá 18,5 triệu USD cho chính phủ Mỹ để tạo nguồn dự trữ chiến lược quốc gia, phòng khi nguồn cung cấp bên ngoài gián đoạn.
Mỹ và hàng chục quốc gia khác đã cam kết tăng gấp ba công suất điện hạt nhân trên toàn thế giới để chống biến đổi khí hậu. Nước này đưa ra các khuyến khích phát triển thế hệ lò phản ứng hạt nhân tiếp theo, cùng với các chính sách nhằm giảm ảnh hưởng của Nga khỏi chuỗi cung ứng hạt nhân. Điều này mở đường cho việc uranium nội địa sẽ vẫn là mặt hàng quan trọng nhiều thập kỷ tới.
Bộ Thương mại Mỹ dưới thời chính quyền Trump đã ban hành một báo cáo mô tả sản xuất uranium trong nước là cần thiết với an ninh quốc gia, để duy trì kho vũ khí hạt nhân và hoạt động của các nhà máy điện. Vào thời điểm đó, các lò phản ứng hạt nhân thương mại cung cấp gần 20% lượng điện tiêu thụ ở Mỹ.
Chính quyền Biden duy trì quan điểm đó. Họ đang trong quá trình hiện đại hóa năng lực phòng thủ hạt nhân quốc gia trị giá hàng tỷ USD. Bộ Năng lượng Mỹ tuần này đã đề nghị cho các chủ sở hữu nhà máy điện ở Michigan vay 1,5 tỷ USD để khởi động lại cơ sở đã đóng cửa.
Nhưng khi chính phủ theo đuổi tiềm năng điện hạt nhân, các nhà bảo vệ môi trường và lãnh đạo người Mỹ bản địa vẫn lo ngại về hậu quả môi trường với các cộng đồng gần các địa điểm khai thác. Họ đang yêu cầu giám sát tốt hơn.
Theo AP, cộng đồng bộ lạc ở miền Tây nước Mỹ đã mất niềm tin vào các công ty uranium và chính phủ liên bang vì các mỏ bị bỏ hoang và tình trạng ô nhiễm liên quan vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Năm 1979, hơn 93 triệu gallon (350 triệu lít) bùn phóng xạ và axit tràn ra từ ao xử lý chất thải ở tổ hợp mỏ Navajo làm ô nhiễm nguồn nước, chăn nuôi và cộng đồng hạ nguồn. Nó nhiều gấp ba lần lượng phóng xạ phát ra từ sự cố ở đảo Three Mile (Pennsylvania) chỉ ba tháng trước đó.
Lưỡng đảng trong Quốc hội ủng hộ năng lượng hạt nhân, nhưng một số nhà lập pháp đến từ các cộng đồng bị ảnh hưởng vẫn lo ngại. Tại cuộc họp quốc hội vào tháng 1, nữ nghị sĩ Cori Bush của bang Missouri cho biết không thể mở rộng năng lượng hạt nhân ở Mỹ nếu không giải quyết những tác động chất thải hạt nhân gây ra với các cộng đồng thiểu số.
Với mỏ Pinyon Plain Mine, Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ tái khẳng định một bản tuyên bố tác động môi trường đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Các cơ quan quản lý của bang đã phê duyệt giấy phép bảo vệ không khí và tầng ngậm nước trong vòng hai năm qua.
Theo chính quyền, cấu tạo địa chất của khu vực có yếu tố bảo vệ tự nhiên chống lại nước từ địa điểm khi thác di chuyển về phía Grand Canyon. Moore nói rằng các tầng chứa trong khu vực cung cấp nước cho các suối ở đáy Grand Canyon rất sâu – khoảng 1.000 feet (304 mét) bên dưới mỏ – và được ngăn cách bởi lớp đá gần như không thể xuyên thủng.
"Chúng tôi làm việc cực kỳ chăm chỉ để thực hiện công việc của mình ở tiêu chuẩn cao nhất. Những việc chúng tôi đang làm được hỗ trợ bởi khoa học và cơ quan quản lý", ông tuyên bố.
nguồn : vnexpress.net