Hụt thu do đại dịch có thể khiến tỷ lệ chi ngân sách vượt thu năm nay lên tới 5,59%, cao hơn 2,15% so với mục tiêu đầu năm.
Báo cáo trước Quốc hội chiều nay (20/10), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bội chi ngân sách năm nay ước khoảng 319.500 tỷ đến 328.000 tỷ đồng, tương đương 4,99% đến 5,59% GDP. Trong khi đầu năm, kế hoạch bội chi ngân sách là 3,44% GDP.
Con số bội chi cao chủ yếu do hụt thu, tăng chi thường xuyên vì tác động của Covid-19.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp Quốc hội chiều 20/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc Hội.
Ước thu ngân sách cả năm khoảng 1,32 triệu tỷ đồng, hụt 189.200 tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Con số này cũng giảm 14% so với năm 2019 và là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Trong đó, thu tại nhiều địa phương đạt thấp, như Hà Nội chỉ đạt 58,8%, TP HCM đạt 58,1%, Hải Phòng đạt 55,1%, Khánh Hòa 51,8%...
Ước chi ngân sách năm nay khoảng 1,68 triệu tỷ đồng, giảm 60.890 tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán. Tuy nhiên, chi thường xuyên khoảng 1,07 triệu tỷ đồng, tăng 12.000 tỷ đồng (1,1%), chủ yếu do sử dụng dự phòng để chi cho công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Đánh giá về mức bội chi ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, kết quả bội chi tăng cao là hợp lý. Nguyên do là ảnh hưởng của Covid-19 khiến các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối không đạt được dự toán Quốc hội giao.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, nhiều khả năng bội chi sẽ tăng thêm 38.500 tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi còn vượt dự toán cao.
Bên hành lang Quốc hội chiều nay (20/10), ông Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng, Tổ trưởng Tổ tư vấn Thủ tướng đánh giá, con số bội chi năm nay nên được xem xét trong bối cảnh riêng, khi kinh tế chịu tác động nặng nề của Covid-19. Không riêng Việt Nam, tình trạng thâm hụt của nhiều nước trên thế giới cũng tăng cao vì các gói hỗ trợ kinh tế.
Ông Kiên cũng cho rằng nên tách giai đoạn 5 năm 2016-2020 thành hai, gồm 2016-2019 và năm 2020 để đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, do năm nay là "năm rất đặc thù". Nếu xem xét như vậy, giai đoạn 2016-2019 sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế đề ra. Trong khi năm nay, Việt Nam đối mặt với hai lần bùng phát Covid-19, diễn biến bất thường của thiên tai. "Nếu so với chính chúng ta thì không đạt, nhưng nếu so với khu vực và thế giới thì Việt Nam vẫn là một điểm sáng", ông Kiên nói.
Đối với các chỉ tiêu về nợ công, ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn, nhưng Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cần đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu. "Điều này là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận xét.
Ngoài ra, Ủy ban cũng lưu ý tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách năm nay còn cao (63,4%), trong khi việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 còn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
nguồn : vnexpress.net