Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho biết 41% doanh nghiệp được khảo sát không còn tài sản thế chấp để vay vốn.
Báo cáo tình hình doanh nghiệp tháng 2, Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho rằng dù phía Ngân hàng Nhà nước đã có một số hỗ trợ (cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, ưu đãi 2% lãi suất vay), tình hình vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
"Ngân hàng có nhiều vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ, vừa không thể tiếp cận do không đảm bảo yêu cầu thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay", HUBA nhìn nhận.
Cụ thể, Hiệp hội cho biết hiện định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng.
Theo khảo sát của HUBA, hiện 41% doanh nghiệp đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Do đó, hiệp hội kiến nghị ngân hàng xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.
Mặt khác, hiệp hội cũng cho rằng phía ngân hàng có thể xem xét ân hạn nợ bên cạnh việc gia hạn. Theo đó, doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay vì phải trả ngay khi hết gia hạn, làm tăng gấp đôi số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép.
Riêng với ngành công nghiệp hỗ trợ (như cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất), HUBA cho biết việc kinh doanh của doanh nghiệp vài năm gần đây chưa tích cực. Nhiều doanh nghiệp bị suy giảm do thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao. Ngoài ra, sản phẩm của ngành hầu hết là các chi tiết rời rạc, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và doanh nghiệp đang chịu mức lãi suất vay khá cao (7-8%).
Do đó, phía Hiệp hội cho rằng cần xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư; chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và có chính sách ưu đãi với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu.
Trước đó, báo cáo về tình hình chung, HUBA cho biết trong tháng 2, hoạt động sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi ở một số ngành: công nghệ, cơ khí, đồ gia dụng. Tuy nhiên, nhóm ngành dệt may, da giày, gỗ vẫn còn khó khăn. Một số doanh nghiệp có xu hướng chuyển qua khai thác thị trường mới nhiều tiềm năng như Campuchia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á.
Ngành chế biến lương thực thực phẩm hoạt động tốt, gia tăng thị trường Trung Quốc và các thị trường mới như Đông Nam Á, châu Phi. Dù vậy, thành phố chưa nắm bắt, hưởng lợi đối với sản phẩm nông nghiệp, các mặt hàng rau củ quả của Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua.
Ngành thương mại nội địa phục hồi nhưng chưa có nhiều ấn tượng. Trong khi đó, xuất khẩu mặc dù có khó khăn về logistics và luồng hàng vận tải biển, đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Nhiều mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu cao như: điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; chế biến lương thực - thực phẩm.
Ngành du lịch có nhiều thuận lợi do mùa Lễ hội và các chính sách mở của Nhà nước, đã đón tiếp một số tàu du lịch lớn đi qua các thành phố biển của Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng thu hút khách ở dài ngày chưa nhiều nên không đóng góp đáng kể vào nguồn thu của nền kinh tế.
Thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu khả quan sau khi thực hiện tái cơ cấu và sẽ cho thấy sự phục hồi rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2024, theo HUBA. Một số doanh nghiệp lớn đã cơ cấu lại nợ để cải thiện tình hình tài chính, thông qua các hình thức mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn hoặc đàm phán với các trái chủ, ngân hàng để gia hạn nợ, giảm áp lực dòng tiền. Bên cạnh đó, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã phát huy tác dụng, nhiều dự án được chính quyền địa phương tháo gỡ pháp lý và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhiệt, giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn vay.
Theo HUBA, nhờ sự khởi sắc của thị trường bất động sản, các ngành kinh tế khác liên quan như xây dựng, sắt thép, vật liệu xây dựng khác cũng bắt đầu phục hồi và hoạt động sôi động hơn.
nguồn : vnexpress.net